Câu chuyện Tổng thống Obama mới đây đến tiếp xúc với cộng đồng khởi nghiệp ở DreamPlex (một trung tâm hoạt động của khoảng 300 startup tại Tp.HCM) được đánh giá như tạo thêm bầu sinh khí hứng khởi cho làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam. Nơi đây, thời gian qua đã diễn ra liên tục tổ chức các cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư mạo hiểm với các công ty khởi nghiệp.
Tiếp thêm sinh lực
Chính tại DreamPlex này, vài ngày trước khi vị tổng thống Mỹ đặt chân đến, đã diễn ra chương trình Alpha Startups cho những startup có ý tưởng mới đột phá có cách thức chuyển giao thành sản phẩm nhanh nhất.
![]() |
Tổng thống Obama phát biểu trước các doanh nghiệp, startup Việt
Chương trình được tổ chức bởi dự án Mekong Business Initiative (MBI) và công ty đầu tư mạo hiểm 1337 Ventures (tập trung vào các chương trình thẩm định ý tưởng, được coi như một công cụ phát triển các startup khả thi), trao giải cho 3 đội đứng đầu số tiền hỗ trợ 25.000 USD và 3 tháng đào tạo.
MBI được thành lập từ sáng kiến hợp tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB và Chính phủ Úc để xúc tác cho sự phát triển kinh doanh tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar. Đây là những quốc gia có nguy cơ bỏ lỡ những giá trị lớn nhất của chuỗi giá trị toàn cầu.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh ngay tại DreamPlex, bà Từ Thu Hiền, Giám Đốc về Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam của MBI, cho biết hiện nay cơ quan này đang huy động tất cả nguồn lực, các chuyên gia và các đối tác để khởi động các dự án nhằm tiếp thêm sinh lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
Theo bà Hiền, các startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải là nguồn động lực của sự tăng trưởng nhanh và bền vững. Do đó, MBI đã và đang hợp tác với chính quyền từ trung ương đến địa phương và khu vực kinh tế tư nhân để phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp trong 3 lĩnh vực là: Đổi mới sáng tạo, chính sách và tài chính.
Vị giám đốc MBI tại Việt Nam thừa nhận việc xúc tác cho sự phát triển kinh doanh bền vững ở Việt Nam sẽ đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, các nhà đầu tư quốc tế đang thách thức các startup Việt tạo ra những ý tưởng lớn hơn, tốt hơn.
Phân tích của giới chuyên gia cho thấy hiện nay, rất nhiều người nói về việc phát triển một “hệ sinh thái” tại Việt Nam để hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, rất ít người xác định được rằng những ưu tiên mà hệ sinh thái cần đặt ra để giúp starup Việt có cơ hội thành công lớn nhất là gì?
![]() |
Các startup Việt có tiềm năng lớn để bắt kịp với trào lưu số hóa nhanh chóng của thế giới
Cơ hội thành công lớn nhất là gì?
Thống kê gần đây cho thấy Việt Nam hiện có 1.500 startup, trong đó doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin có con số vượt trội hơn so với các DN trong lĩnh vực khác.
Điều này được cho là tiềm năng lớn để cộng đồng startup Việt phát triển và nắm bắt cơ hội để nhanh chóng bắt kịp với trào lưu số hóa nhanh chóng của thế giới.
Chính một nữ startup là Lê Hoàng Uyên Vy trong buổi trò chuyện với Tổng thống Obama cũng tự tin phán đoán làn sóng tiếp theo của kinh doanh ở Việt Nam là nhà đầu tư đến với công nghệ. Và các startup Việt đang áp dụng công nghệ, tự động hóa, đưa hàng đến cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra từ vị tổng thống Mỹ cũng là vấn đề quan tâm lớn của cộng đồng startup Việt hiện nay, đó là: Các công ty khởi nghiệp tự cung cấp tài chính hay vay ngân hàng, có nguồn vốn cho các startup hay không ? Các bạn dùng tiền gia đình hay có đầu tư?
Điều này cũng được các starup thừa nhận việc khởi nghiệp ở Việt Nam không phải dễ. Các quỹ mạo hiểm không dễ chi tiền. Họ chỉ muốn đầu tư vào các công ty lớn.
Nhận thấy rõ những vấn đề băn khoăn về nguồn vốn, nên theo bà Từ Thu Hiền, phía MBI đã đưa ra các giải pháp về cho tài chính cho các starup như gây quỹ quần chúng, cho vay đồng cấp và đầu tư thiên thần hoặc là không có sẵn, hoặc ở giai đoạn đầu của sự phát triển ở Việt Nam.
Cơ quan này cũng cam kết giúp nguồn tài chính dễ tiếp cận hơn thông việc tăng cường mạng lưới nhà đầu tư thiên thần và hỗ trợ xây dựng mối quan hệ giữa các nhà đầu tư thiên thần và các starup. Đồng thời, sẽ xây dựng trung tâm phát triển công nghệ tài chính với 500 startup.
Có một thực tế khác là vị trí thấp của Việt Nam trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh đã ảnh hưởng tiêu cực đến các startup qua việc làm nản lòng nhà đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ.
Chính vì vậy, theo nhận định của MBI, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, được xem như là một cam kết nhằm cải thiện thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam thông qua hành động để đơn giản hoá các quy trình và thủ tục kinh doanh.
Còn theo bà bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) tại Tp.HCM, các startup sẽ không thể phát triển được nếu thiếu đi tính kế thừa và cộng đồng DN cũng cần như vậy.
Vì thế, nhìn về tương lai của cộng đồng startup, để phát triển mạnh, nói như bà Phi, thì cần một nền kinh tế mạnh, cần những DN mạnh và cần sự đa dạng, tính tương hỗ, liên kết, các DN đi trước chung tay để hỗ trợ cho các DN non trẻ. Đây là điều mà các startup Việt đang cần.
Thế Vinh