Trong 2 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến tình trạng cá tra nguyên liệu thiếu hụt và tăng giá cao.
Doanh nghiệp “đau đầu”
Hiện nay, một số nhà máy chế biến cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu mua cá tra ở mức 30.000 đồng/kg, tăng 25% so với cuối năm 2021. Với mức giá đầu vào cao như vậy nên chuyện tăng giá thành sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu (XK) là khó tránh khỏi.
Các sản phẩm chế biến từ thịt chịu “tác động dây chuyền” từ giá xăng và giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao. |
Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), với giá cá tra nguyên liệu và giá XK hiện tại thì người nuôi cá tra ở ĐBSCL đều thuận lợi, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, cái khó là giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá cước tàu cũng tăng, trong khi tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá còn nhiều, khiến chi phí giá thành tăng và giảm một phần tính cạnh tranh.
Theo ông Đạo, giá XK của các doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL ở mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây khi nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo.
Điển hình như với thị trường Mỹ vốn đòi hỏi chất lượng cao, nên giá XK cá tra phi lê từ 6 USD/kg trở lên. Còn xuất sang một số nước châu Âu với giá khoảng 3,5 USD/kg, với thị trường Trung Quốc khoảng 3,2-3,4 USD/kg…
Việc giá thành tăng không chỉ là vấn đề riêng của các DN chế biến cá tra, mà là tình trạng chung của các DN chế biến nông sản thực phẩm khi giá đầu vào nguyên liệu kéo dài sang 2 tháng đầu năm 2022, tăng 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là một trong những lý do khiến nhiều DN ngành hàng thực phẩm “đau đầu” và phải từ chối bớt bạn hàng. Đặc biệt là thời gian qua đã có nhiều DN phải sản xuất hòa vốn, bù lỗ do đội chi phí sản xuất, giá nguyên liệu tăng.
Trong khi đó, vì gồng gánh chi phí quá nhiều nên khả năng chịu đựng của các DN chế biến thực phẩm vẫn là dấu hỏi lớn, nhất là với những DN nhỏ và vừa cạn kiệt nguồn vốn để tái sản xuất sau tác động của dịch Covid-19.
Không chỉ vậy, các DN chế biến sản phẩm thịt trong ngành thực phẩm cũng đang ngán ngại “tác động dây chuyền” từ việc nhiều DN thức ăn chăn nuôi lớn như C.P, Cargill, Greenfeed, Japfa Comfeed, De Heus, CJ Vina Agri, Anco, Proconco, New Hope… đã đồng loạt tăng giá bán thức ăn chăn nuôi trong tháng 2/2022.
Theo đó, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi này tăng giá cao nhất với mức 300 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá bán đầu tiên kể từ đầu năm nay do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.
Tác động dây chuyền
Giá thành thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng từ giá ngô, khô đậu tương, lúa mì. Trong khi đó, giá đậu tương nhập khẩu (NK) hiện đang tăng nhẹ 2,8%, đạt trung bình 608,6 USD/tấn. Mới đây, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 1/2022 đạt 185.562 tấn, tương đương 112,93 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng mạnh 53,3% về kim ngạch và 18,8% về giá.
Còn về lúa mì, vào tháng 1/2022, cả nước NK 335.335 tấn, tương đương 115,63 triệu USD, giá trung bình 344,8 USD/tấn, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 35,7% về kim ngạch và tăng 35% về giá.
Theo giới chuyên gia, việc tăng giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu tương, lúa mì làm gia tăng gánh nặng cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Mức giá cao đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng. Đây là cũng là khó khăn chung cho các DN ngành chăn nuôi nói chung và “tác động dây chuyền” vào các DN chế biến sản phẩm thịt nói riêng tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2022 khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Như các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, với nguồn nguyên liệu chính của các DN là thịt lợn, mà phải là thịt lợn sạch, an toàn thì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên điều đương nhiên là các sản phẩm đến tay người tiêu dùng khó tránh khỏi chuyện tăng giá theo.
Không chỉ vậy, việc xăng dầu tăng giá cao trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, khiến giá thành chế biến thực phẩm tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi thế cạnh tranh của các DN.
Diễn biến mới nhất là từ 15h ngày 21/2, giá mỗi lít xăng RON 95 đã lên tới 26.280 đồng (tăng 960 đồng). Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít), và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây.
Giá xăng dầu tăng phi mã, lên đỉnh 8 năm khiến chi phí vận chuyển, logistics đẩy giá nguyên liệu đầu vào trong ngành thực phẩm tăng theo. Điều đáng lo là các nhà sản xuất thực phẩm có thể lại phải chuyển một phần chi phí sang cho những nhà bán lẻ, từ đó đẩy chi phí sang người tiêu dùng thực phẩm.
Khảo sát của VnBusiness ở Tp.HCM vào những ngày gần đây cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến tại một số chợ lẻ, cửa hàng ăn uống đã tăng dần đều theo giá tăng của xăng dầu.
Còn theo giám đốc một DN chế biến thực phẩm ở Tp.HCM), giá xăng tăng cao làm cho giá các nguyên liệu đầu vào nhập về hiện đã tăng từ 20 - 30%, một phần do nguồn nguyên liệu khan hiếm, phần do tàu về chậm, giá cước tàu tăng gấp đôi. Giá thành phẩm bình quân của sản phẩm hiện tăng khoảng 20%.
Thế Vinh