Theo báo cáo từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, trong năm 2018, doanh thu ngành sữa ước đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng, từ 82,65 triệu USD năm 2017 lên 129,68 triệu USD năm 2018. Giá trị kim ngạch XK trung bình cả giai đoạn tăng trưởng 27,37%.
Nhiều cơ hội
Trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch XK sữa đạt 48,6 triệu USD, với các thị trường XK chính là Iraq, Hong Kong, Trung Quốc, Afghanistan, Philippines và một số nước khác như UAE, Lào, Myanmar, Nhật Bản…
Năm 2019, hoạt động XK sữa dự báo sẽ tăng trưởng mạnh khi các doanh nghiệp (DN) trong nước tăng cường thúc đẩy XK sữa ra nước ngoài. Ngoài XK sản phẩm, Vinamilk và TH true Milk cũng XK bằng cách đầu tư ra nước ngoài, trong đó Vinamilk đầu tư vào ngành sữa của Mỹ, New Zealand, Campuchia, Ba Lan, Lào, Myanmar. Trong năm nay, Vinamilk cũng đầu tư nhà máy sữa đầu tiên tại Myanmar để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm sữa tại thị trường này.
Được biết, tiêu dùng sữa của hơn 55 triệu người dân Myanmar đang ở mức thấp so với các thị trường khác trong khu vực. Tiêu dùng sữa hàng năm của người Myanmar chỉ ở mức 10 lít, rất thấp so với 36 lít của Thái Lan và 53 lít của Malaysia.
Cùng với đó, TH true Milk cũng đầu tư dự án khoảng 2,7 tỷ USD XK sang Nga để chăn nuôi, chế biến sữa.
Đặc biệt, ngày 26/4 vừa qua, Nghị định thư về XK sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam XK vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Theo báo cáo thị trường sữa toàn cầu 2018 của FAO, Trung Quốc sản xuất 25,6 triệu tấn sữa, giảm 1,1% so với năm 2017 và để đáp ứng tiêu dùng sữa và sản phẩm sữa trong nước, nước này đã nhập 14,6 triệu tấn sữa quy đổi. Đây là thị trường có tiềm năng rất lớn cho XK các sản phẩm sữa của Việt Nam trong những năm tới.
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng tiềm năng XK sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa của Việt Nam rất lớn.
Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là sữa của Australia và Newzealand đang chiếm thị phần lớn tại thị trường sữa Trung Quốc. Do đó, sữa Việt Nam vào Trung Quốc có triển vọng nhưng sẽ gặp phải cạnh tranh của hai "ông lớn" này.
Ông Toản cho rằng để mở rộng thị trường XK sữa của Việt Nam trong thời gian tới, trước mắt các DN nói riêng và ngành sữa cần ưu tiên phát triển các sản phẩm sữa chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường hàng đầu thế giới (Trung Quốc) theo tinh thần Nghị định thư vừa ký kết. Đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm đáp ứng thị trường tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Dự báo xuất khẩu sữa sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019 |
Chăn nuôi quy mô lớn
Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của ngành chăn nuôi vẫn nằm ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết và đặc biệt là cơ chế hỗ trợ.
Chuyên chế biến sữa và sản phẩm từ sữa, đại diện HTX Nông nghiệp Evergrowth chia sẻ, sau 15 năm đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, HTX vẫn chưa cảm nhận được cơ chế thực sự đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt là đối với con bò sữa.
Việt Nam chưa quy hoạch được vùng nuôi cụ thể, giống bò nào được phát triển. Trong khi đó, điều kiện nuôi khó khăn, dinh dưỡng không đáp ứng được yêu cầu con bò, lai tạo giống, khó dẫn đến bản thân HTX đã phải "trả giá".
Rút kinh nghiệm từ nhiều lần thất bại, HTX sau đó đã mời các chuyên gia đến khảo sát và tư vấn con giống phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Sóc Trăng và cũng đã được định hướng cụ thể. Tuy nhiên, cái khó là nông dân phải tự làm chứ chưa có sự hỗ trợ quyết liệt của địa phương hay từ cơ quan chức năng.
Đại diện HTX Evergrowth cho biết, việc phát triển chăn nuôi bò sữa tại Sóc Trăng là có thể nhưng cần tạo điều kiện cho nông dân.
Theo đó, chính sách không chỉ là vốn, vì vốn là điều kiện cần nhưng chưa đủ, quan trọng là cơ chế vay như thế nào cho phù hợp. Hiện nay, về điều kiện phát triển bò sữa ở Việt Nam, mỗi một hộ chăn nuôi phải nuôi ít nhất 5 con mới có hiệu quả, nhưng cơ chế hỗ trợ cho vay mới có một con.
Bên cạnh đó, quy chuẩn đối với sữa tươi hiện đã có nhưng lại thiếu cơ chế để bảo vệ quy chuẩn, trong khi việc truyền thông, hỗ trợ đào tạo cho nông dân là chưa triệt để, khiến người nông dân thường bị thua thiệt.
Vì vậy, đại diện HTX Nông nghiệp Evergrowth kiến nghị cần có chính sách rõ ràng về việc ký kết tiêu thụ sản phẩm để trong từng hoàn cảnh cụ thể, DN không quay lưng với nông dân.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay số lượng hộ chăn nuôi quy mô nhỏ (dưới 5 con) vẫn còn chiếm trên 50%, là trở ngại lớn của ngành, trong khi chăn nuôi bò sữa phải trên 10 con mới hiệu quả.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, số lượng bò sữa nuôi trong nông hộ là 199.941 con, chiếm 70,65% tổng đàn bò sữa của cả nước. Quy mô nuôi dao động 5,4 – 10 con/hộ đối với chăn nuôi bò sữa.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, cả nước có 28.695 hộ chăn nuôi bò sữa, gồm 17.792 hộ nuôi dưới 5 con bò sữa/hộ, chiếm 62% tổng số hộ chăn nuôi bò sữa; 5.622 hộ nuôi 5-10 con bò sữa/ hộ, chiếm 19,89%; 3.564 hộ nuôi 10 – 20 con/hộ, chiếm 12,42%. Các hộ chăn nuôi quy mô trên 20 con/hộ còn hạn chế, chỉ chiếm 5,98% tổng số hộ chăn nuôi bò sữa của cả nước.
Ngoài ra, một số công ty sữa hiện nay áp dụng tiêu chuẩn chất lượng thu mua sữa tươi nguyên liệu như giới hạn về số lượng tế bào soma, chất béo, vật chất khô… nên một số hộ không đảm bảo tiêu chí, chất lượng sữa, đã phải giảm đàn. Năm 2018, tại một số địa phương như Hà Nội, Tp.HCM, số lượng bò sữa có xu hướng giảm.
Ông Chinh cho rằng sắp tới đây, liên kết giữa nông dân và các DN XK sữa cần phải chặt chẽ hơn. Sữa tươi là mặt hàng mà người dân buộc phải bán cho DN vì còn liên quan tới vấn đề bảo quản, nếu có bán ra ngoài thì cũng chỉ bán được số lượng nhỏ. Nếu không bán cho DN mà không có công nghệ bảo quản tốt, chắc chắn sữa sẽ hỏng trong thời gian ngắn.
"Nguy hiểm nhất là khi nông dân tự động xây chuồng, nuôi bò mà chưa có đầu ra ổn định. Do vậy, bà con cần ký hợp đồng với các DN chế biến sữa trước khi xây dựng chuồng trại, nuôi bò", ông Chinh khuyến cáo.
Lê Thúy
Ông Tống Văn Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Để ngành sữa Việt Nam phát triển, Bộ Công Thương cần tăng cường quy hoạch và giám sát quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến sữa mà công suất phải phù hợp với tổng đàn bò của vùng nguyên liệu gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, Bộ NN&PTNT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa giai đoạn 2020-2030 để tăng cường phát triển ngành sữa, thúc đẩy XK sữa và các sản phẩm từ sữa. Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Tập đoàn TH Cánh cửa XK sữa vào thị trường Trung Quốc bước đầu đã mở nhưng không phải DN nào trong ngành sữa Việt Nam cũng có thể lách qua. Trung Quốc có những hàng rào kỹ thuật buộc chúng ta phải tìm cách xuyên thủng. Các DN sữa phải đảm bảo được hai yêu cầu quan trọng gồm duy trì chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm và đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ. Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Các DN sữa nói riêng và ngành sữa Việt Nam nói chung cần phải tổ chức lại sản xuất chăn nuôi bò sữa theo chuỗi khép kín, kiểm soát được an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, phải hiện đại hóa các cơ sở, các hệ thống thu mua sữa nguyên liệu và các nhà máy sữa hiện đại đáp ứng nhu cầu XK của nhiều thị trường. |