Trong chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, tại buổi tiếp xúc với giới doanh nghiệp (DN) nước này, Giám đốc điều hành Tập đoàn sữa Fonterra là ông Lukas Paravicini đã bày tỏ ý định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và hợp tác kinh doanh ở Việt Nam.
Tạo thế cạnh tranh
Nên nhớ Việt Nam là nước nhập siêu các sản phẩm sữa chủ yếu từ New Zealand do nguồn cung trong nước vẫn còn thiếu hụt. New Zealand hiện chiếm gần 25% thị phần trong số các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa. Tập đoàn Fonterra hiện đang cung cấp nhiều loại nguyên liệu cho các công ty sữa, đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng ở Việt Nam.
Sự hồ hởi của ông Lukas phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường sữa Việt Nam khi mà “miếng bánh” thị phần sữa đang có mức sinh lời cao (doanh thu toàn ngành sữa Việt năm 2017 đạt trên 100.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2016).
Không chỉ có Fonterra, nhiều DN ngoại khác trong ngành công nghiệp sữa đều có tham vọng giành lấy thị phần được đánh giá là thuộc nhóm thị trường “béo bở” hàng đầu thế giới như Việt Nam.
Như chia sẻ của ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, theo quy hoạch, đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến sữa của Việt Nam sẽ sản xuất 2,6 tỷ lít sữa, mức tiêu thụ sẽ tăng lên trên 28 lít/người/năm. Xu thế cải thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao.
Tiềm năng là vậy nhưng nguồn cung nguyên liệu sữa trong nước còn khá khiêm tốn, chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu. Chưa kể khi dòng vốn ngoại rót nhiều vào ngành sữa, cạnh tranh sữa nội với sữa ngoại gia tăng, việc nhập khẩu nguyên liệu sữa và sản phẩm sữa cũng cần lưu tâm (kim ngạch nhập năm 2017 đạt 868 triệu USD, tăng 1,9% so với năm 2016).
Hiện nay, động lực tăng trưởng chính của ngành sữa chủ yếu đến từ mảng sữa bột và sữa nước khi tăng trưởng doanh thu từ hai lĩnh vực này chiếm 75% tổng giá trị tăng trưởng cả ngành. Mảng sữa bột (năm 2017 đạt 127,4 nghìn tấn, tăng 10,4% so với năm 2016) hiện xem như khối ngoại đang chiếm phần lớn. Riêng mảng sữa nước, Vinamilk là đại diện của khối nội vẫn đang dẫn đầu.
Cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp sữa nội là không nhỏ
Tín hiệu từ xuất khẩu sữa
Theo nhận định, việc cạnh tranh trên thị trường sữa nội địa sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các DN nội trong ngành sữa đẩy mạnh xuất khẩu (XK) để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ vừa tạo thế cạnh tranh sòng phẳng với khối ngoại. Thực tế là không ít DN sữa nội chịu khó đầu tư máy móc công nghệ mới, nên cơ hội mở ra tại nhiều thị trường XK là không nhỏ, đặc biệt là tại Mỹ.
Đơn cử như DN sữa thuần Việt là NutiFood vừa qua đã ký hợp đồng với đối tác là công ty Delori để XK sữa qua thị trường Mỹ. Theo đó, doanh thu XK năm đầu tiên (2018) của DN này vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD.
Đối tác Delori cũng đang nỗ lực đàm phán để có thể phân phối sản phẩm sữa Pedia Plus của Việt Nam vào hệ thống siêu thị trên toàn nước Mỹ. 5 năm sau đó, theo dự kiến, doanh thu của hãng sữa thuần Việt này tại thị trường Mỹ sẽ nâng lên 100 triệu USD/năm.
Các DN sữa nội địa muốn gia tăng lợi nhuận thông qua việc tiếp cận rồi XK sữa vào những thị trường khó tính nên tham khảo cách làm này.
Chủ tịch HĐQT công ty NutiFood Trần Thanh Hải cho biết để có được hợp đồng XK phải mất hơn 1 năm để kiểm nghiệm sản phẩm để đánh giá phù hợp tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cũng như các đánh giá sự chấp nhận của nhà bán lẻ và người tiêu dùng ở nước này, để sẵn sàng cho lô hàng nhập khẩu sữa Việt.
DN cũng phải đầu tư thiết bị dây chuyền công nghệ để đạt tiêu chuẩn của FDA, một tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt nhất thế giới. Đại diện FDA còn đến tận nhà máy của NutiFood kiểm tra qua nhiều bước với hàng trăm tiêu chí khắt khe và khi xác định công ty đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này mới cấp “visa” để sản phẩm có thể vào được thị trường Mỹ.
Có thể nói đây là một tín hiệu tích cực về XK của một thương hiệu sữa thuần Việt. Bởi lẽ, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), các sản phẩm dành cho trẻ em, trong đó có sữa các loại, vốn còn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu XK của Việt Nam vào thị trường đặc biệt khó tính như Mỹ.
Được biết, theo quy hoạch, kim ngạch XK sữa đến năm 2020 sẽ đạt 120-130 triệu USD, nhưng thực tế hiện nay đã vượt xa mong đợi. Số liệu năm 2017 cho thấy kim ngạch XK sản phẩm sữa đã đạt trên 300 triệu USD.
Trong đó, cần ghi nhận sự đóng góp khoảng 50% giá trị kim ngạch của một “ông lớn” trong ngành sữa nội là Vinamilk với các loại sữa chua, sữa nước đi một số nước ở thị trường Trung Đông và Đông Nam Á. Các thị trường XK sữa chính yếu được các DN sữa nội kỳ vọng gia tăng kim ngạch trong thời gian tới là Mỹ, Úc, Canada, Nga, Nhật Bản, khu vực Trung Đông, Đông Nam Á, Trung Quốc.
Để vừa có khả năng cạnh tranh với khối ngoại, vừa gia tăng kim ngạch XK sữa, điều cần làm căn cơ với các DN sữa nội trong lúc này là đầu tư nâng cao dây chuyền sản xuất hiện đại, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng đa dạng nhu cầu trong nước và XK.
Ngoài việc phát triển mạnh mạng lưới phân phối, các DN cần đầu tư mạnh hơn vào nguồn nguyên liệu trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Thanh Loan