Chiều 8/8, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam – năm 2023 với chủ đề "Bơi trong dòng xoáy", các chuyên gia cho rằng, rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá.
Thách thức lớn với mục tiêu tăng trưởng 6,5%
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng ADB nhận định: Môi trường kinh tế quốc tế đang liên tục xuất hiện những “vòng xoáy” mới, khó khăn ngày càng nhiều và Việt Nam phải dựa vào nội lực của mình là chính.
Nêu dẫn chứng, ông Hùng cho biết đang có sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu, trong khi Mỹ, châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử, khiến chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu sẽ có biến động. Điều này sẽ tác động đến Việt Nam - vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.
Đồng thời, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập...
Rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Các chuyên gia nhận định, những khó khăn hiện tại tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025 phải đạt 7,76%/năm mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025 phải tăng trưởng 8%/năm.
“Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản thấp nhất tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,34% và cao nhất ở 6,46%.
Ông Dương lý giải, kịch bản 1 dựa trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.
Kịch bản 3 là kịch bản tích cực nhất dựa trên giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn...) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Hầu hết các ý kiến cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, chính sách tài khoá và tiền tệ cần phải song hành.
Đề xuất giải pháp, đại diện CIEM kiến nghị tập trung vào cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới.
Đồng thời, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh đến việc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực như: ngân hàng, phân phối dược phẩm,... Đặc biệt chú trọng vào tư duy liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định.
“Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam cho thấy mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi”, ông Cung nói.
Tuy nhiên, ông Cung chia sẻ, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, ông chưa thấy cải cách, thay đổi bên trong đủ bù đắp khó khăn từ bên ngoài.
Nhận định trong bối cảnh hiện nay cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT.
“Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kỳ vọng.
Vấn đề quan trọng hơn cả, theo chuyên gia này, đó là cải cách môi trường kinh doanh. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn, việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
“Thời gian gần đây không có những cải cách như thế, thậm chí có những quy định tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn”, ông Cung nhấn mạnh.
Dẫn chứng, ông cho biết các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi. Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí.
Ông Cung cho rằng, không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, nhưng có thể chọn 2 vấn đề để thực hiện ngay, đó là hoàn thuế VAT và vấn đề phòng cháy chữa cháy. Và đặc biệt, "Đây chưa phải là lúc bàn đến chuyện tăng thu cho ngân sách", ông thẳng thắn kiến nghị.
Thanh Hoa