![]() |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Chiều ngày 5/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, cung cấp thông tin tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, kinh tế 4 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chỉ số CPI chỉ tăng 0,89%, mức thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo; thu ngân sách 4 tháng đạt 40,7% dự toán, gia hạn nộp thuế 24.000 tỷ đồng theo Nghị định 52...
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì xuất siêu với 1,29 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 24,1%, tính chung 4 tháng ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9,7%). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách để giải phóng nguồn lực, sử dụng nguồn lực có hiệu quả, để phát triển đất nước.
Nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương là phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, nỗ lực giữ vững các thành quả đã đạt được, tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. "Các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không được bi quan, hoang mang", Người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn nói.
Theo đó, các bộ ngành và địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, nhất là vốn ODA. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao.
Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn. Tập trung đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng; nghiên cứu, xây dựng các phương án tiêu thụ điện, cơ chế điều chỉnh giá bán điện phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các thời điểm, tránh việc cắt giảm, lãng phí điện.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời gian qua, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp bảo đảm kiểm soát lạm phát. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động…
Hoàng Hà