Tại Tp.HCM, do tác động kéo dài của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay các công ty xuất khẩu (XK) lao động rơi vào tình trạng “đóng băng” khi mà hàng loạt đơn hàng tuyển dụng, hàng trăm đợt xuất cảnh lao động bị tạm dừng.
Lao động xuất khẩu “nhỏ giọt”
Với 105 đơn vị hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở Tp.HCM, gồm 61 công ty, 44 chi nhánh, nhưng 9 tháng đầu năm 2020, số lao động được đưa đi nước ngoài làm việc khá khiêm tốn, chỉ gần 3.800 người.
Kiều hối đang sụt giảm trong bối cảnh xuất khẩu lao động gặp khó vì dịch Covid-19. |
Trong khi đó, qua thăm dò của Thời báo Kinh Doanh từ các công ty kiều hối tại Tp.HCM thì thấy rằng kiều hối trong 9 tháng đầu năm nay giảm đáng kể, đặc biệt là từ các thị trường XK lao động như Mỹ, Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Nhất là với những thị trường kiều hối chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Anh, Canada do bị ảnh hưởng khá nặng từ Covid-19, nên theo một số công ty kiều hối thì lượng kiều hối chuyển về có nơi giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước.
Những dự báo từ các công ty kiều hối ở Tp.HCM cho thấy lượng kiều hối sẽ tiếp tục giảm trong quý IV/2020 và khó đạt như năm ngoái khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài ở nhiều quốc gia khiến nhiều lao động người Việt Nam ở nước ngoài mất việc.
Còn ở Thanh Hoá, trong năm nay đặt ra mục tiêu XK khoảng 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thế nhưng tính đến tháng 8/2020 toàn tỉnh mới có 3.460 người xuất cảnh.
Theo ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, một số thị trường tuy vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc nhưng số lao động xuất cảnh được rất “nhỏ giọt”. Thậm chí, một thời gian dài không có lao động xuất cảnh vì nhiều nước tạm dừng tuyển lao động và nhiều đường bay quốc tế đóng cửa.
Ông Trịnh Xuân Năm, Giám đốc một công ty chuyên tuyển chọn lao động XK trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, cho biết do dịch bệnh nên từ đầu năm 2020 đến nay, công ty đã tạm thời dừng việc đưa người lao động sang thị trường Nhật Bản, Ả-Rập-Xê-Út, Malaysia….
Những năm trước, khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19 thì mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 người đi XK lao động trong đó điểm đến phổ biến nhất là các nền kinh tế Đông Á.
Ts. John Walsh (Đại học RMIT) cho rằng khoản tiền mà nhóm người lao động này gửi về Việt Nam thường là nguồn tài chính không thể thiếu để duy trì cộng đồng nông thôn, giúp trang trải chi phí giáo dục và y tế cho người thân. Mỗi năm, lượng kiều hối gửi về Việt Nam từ XK lao động đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD. Số tiền do Việt kiều định cư ở các quốc gia khác gửi về Việt Nam còn lớn hơn nữa.
Sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”
Giới chuyên gia dự báo nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm khoảng 10 - 15% so với năm 2019, nhưng có thể giảm đến 17% nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Ts. John Walsh cho biết lượng kiều hối trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm khoảng 20% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự sụt giảm này được dự đoán là do suy thoái kinh tế đồng bộ diễn ra trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến tất cả các loại hình kinh doanh.
Tính đến nay, theo Ts. John Walsh, lượng kiều hối về Việt Nam mới chỉ giảm vài điểm phần trăm nhưng có khả năng sẽ tiến gần đến mức giảm trung bình toàn cầu khi Bắc bán cầu bước vào mùa thu, cũng như việc các nước có thể đưa ra những quy định mới nhằm hạn chế đi lại.
Vị chuyên gia của RMIT cũng lưu ý các hộ gia đình dựa vào kiều hối từ XK lao động sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” trong giai đoạn khó khăn này.
Một khảo sát vào năm 2019 của nhà cung cấp dịch vụ tài chính UniTeller cho thấy, đối với các hộ gia đình nhận kiều hối, số tiền này có thể gấp mười lần thu nhập thông thường của họ.
Việc khó tránh khỏi là một số gia đình sẽ phải vay tiền để trang trải cho sinh hoạt, và đó lại chính là động lực khiến họ phải đi XK lao động và cố gắng kiếm nhiều tiền hơn trong tương lai.
Nếu có đợt bùng phát dịch mới thì lượng kiều hối có thể sụt giảm nhiều hơn nữa, có thể làm cho một trong những nguồn thu nhập chính từ những gia đình có người thân đi XK lao động bị “bóp nghẹt”.
Thông thường, theo Ts. Walsh, người đi XK lao động nếu mất việc thì sẽ hồi hương, trừ khi có người môi giới hoặc mạng lưới giúp đỡ họ tìm kiếm công việc khác. Tuy nhiên, biên giới đóng cửa đang khiến việc đi lại rất khó khăn và nhiều người lao động bị mắc kẹt ở nước ngoài mà không có thu nhập.
Đối với người sử dụng lao động Việt ở nước sở tại, điều nên làm để giữ vững uy tín là hỗ trợ người lao động nếu nhà máy hoặc nơi làm việc của họ phải đóng cửa, hoặc giúp họ tìm việc ở nơi khác. Tuy nhiên, có nỗi lo là một số doanh nghiệp ở nước ngoài sẽ nhân cơ hội này mà bỏ rơi người lao động và thậm chí không trả đủ tiền lương đang thiếu nợ cho họ.
Thế Vinh