Bộ NN&PTNT vừa có Tờ trình Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị đối với việc Quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice).
Nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) được bảo hộ tại Việt Nam và 22 quốc gia (bao gồm cả Nhãn hiệu thông thường và Nhãn hiệu chứng nhận), |
Về kết quả đăng ký bảo hộ dưới dạng Nhãn hiệu thông thường, Bộ NN&PTNT cho biết đến nay đã có 19 quốc gia chấp nhận bảo hộ bao gồm: Indonesia, Nga và OAPI (gồm 17 nước Châu Phi, cụ thể: Benin, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Comoros, Cộng hòa Cônggô, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích đạo, Gabon, Guinea, Guinea Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Senegal và Togo).
Kết quả đăng ký bảo hộ dưới dạng Nhãn hiệu chứng nhận, đến nay có 3 quốc gia (Trung Quốc, Brunei và Na Uy) đã thông báo bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận.
Hiện tại, Nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) được bảo hộ tại Việt Nam và 22 quốc gia (bao gồm cả Nhãn hiệu thông thường và Nhãn hiệu chứng nhận). Bộ NN&PTNT đang là chủ sở hữu Nhãn hiệu này.
Để có cơ sở pháp lý cao nhất cho việc phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice), Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) theo trình tự thủ tục rút gọn.
Dự kiến, những nội dung của dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice), cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, tiêu chí, tiêu chuẩn về quyền sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice)...
Bộ NN&PTNT cho biết, theo quy định của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và luật quốc gia của một số nước thành viên Hệ thống Madrid, sau từ 3-5 năm kể từ ngày công nhận nhãn hiệu và cấp mã số bảo hộ mà không sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thì sẽ bị tước quyền bảo hộ. Như vậy, cần khẩn trương cấp Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) cho các đơn vị kinh doanh và xuất khẩu gạo, đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp và các bên liên quan về việc sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) trên thị trường thế giới.
Được biết, Bộ NN&PTNT đã tiến hành xây dựng và đăng ký sở hữu nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam ở Việt Nam theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngày 09/8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ) đã cấp Giấy chứng bảo hộ nhận nhãn hiệu Gạo Việt Nam (Vietnam Rice) cho Bộ NN&PTNT (Giấy chứng số 304441, 304442, 304443 và 304444) và có hiệu lực trong 10 năm.
Ngày 17/5/2018 hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận Vietnam Rice đã được nộp tại Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam) yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống của Nghị định thư Madrid chỉ định đăng ký tại 20 quốc gia và khu vực (tổng số gồm 62 nước). Mã số đơn ghi nhận B-2018-00032 và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) cấp chứng nhận đăng ký số 1425573 và thông báo cho các nước thành viên trong toàn Hệ thống Madrid.
Đến ngày 17/09/2018, nhãn hiệu Vietnam Rice được công bố trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của WIPO. Tuy nhiên, do sơ xuất của WIPO khi ghi nhận đăng ký, khi được công bố trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của WIPO và được thông báo tới các quốc gia thành viên, nhãn hiệu Vietnam Rice được ghi nhận là Nhãn hiệu Thông thường (Ordinary mark) mà không phải Nhãn hiệu Chứng nhận (Certification mark). Do đó, Việt Nam đã yêu cầu WIPO đính chính từ Nhãn hiệu thông thường sang Nhãn hiệu chứng nhận.
Ngày 13/3/2019, WIPO xác nhận thực hiện đính chính loại hình nhãn hiệu, ghi nhận Nhãn hiệu Chứng nhận (số đăng ký quốc tế 1425573 cho nhóm 30 là Gạo (gạo trắng, gạo thơm trắng, gạo nếp trắng); ngày 28/03/2019 đã thông báo tới các quốc gia thành viên WIPO chỉ định đăng ký bảo hộ.
Thy Lê