Liên quan tới câu chuyện gạo ST25 có nguy cơ bị mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài, phóng viên VnBusiness đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ - chuyên gia lâu năm nghiên cứu trong ngành hàng lúa gạo về sự việc này.
Ông có chia sẻ gì khi biết tin loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam là ST25 đã bị nhiều doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký sở hữu thương hiệu?
Đối với tôi, đây quả thực là một thông tin rất đáng tiếc đối với ngành lúa gạo nói riêng, cũng như cả ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. Đó là một sự việc mà rất lãng nhách.
Tôi cho rằng một phần lỗi là do chính ở phía Việt Nam. Quay trở lại thời điểm trước đó khi gạo ST25 của "cha đẻ" Hồ Quang Cua đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Philippines. Quốc tế công nhận, vinh danh rồi, mình có thể nương theo để "phất cờ", để quảng bá gạo ST25, cũng như ngành lúa gạo Việt Nam tới toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại không làm được điều đó.
"Cha đẻ" của gạo ST25 đã không đăng ký sở hữu thương hiệu. Trong khi Bộ NN&PTNT cũng chưa công nhận giống này vì cho rằng chưa qua khảo nghiệm trong nước. Như vậy rõ ràng là "lợi ích cục bộ" đã đẩy mình vào thế khó, thương hiệu của người Việt có nguy cơ bị mất vào tay nước ngoài.
Vậy trong tình huống một số doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký sở hữu thương hiệu ST25. Làm thế nào để Việt Nam lấy lại được thương hiệu trên thưa ông?
Đến giờ thì chỉ có cách là các cơ quan chức năng của Việt Nam và chính "cha đẻ" ST25 là ông Hồ Quang Cua phải đứng ra chứng minh mình mới chính là sở hữu của gạo ST25.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam phải can thiệp, trao đổi với cơ quan cho đăng ký thương hiệu ở Mỹ về tính xác thực của vấn đề. Trong đó đưa ra các dẫn chứng chứng minh doanh nghiệp Mỹ không có lý do chính đáng để đăng ký thương hiệu ST25, bằng việc cung cấp các bằng chứng cho thấy Việt Nam là tác giả nghiên cứu ra gạo ST25, với các tài liệu về cách thức sản xuất, vùng sản xuất của loại gạo ST25.
Từ bài học của cà phê Trung Nguyên, bánh tráng Ba Cây Tre hay nước mắm Phú Quốc... cho thấy Việt Nam vẫn có thể lấy lại được thương hiệu này. Tất nhiên đã là kiện cáo thì rất phức tạp, tốn kém tiền của, công sức rất lớn. Như vậy, rõ ràng tự chúng ta đã đẩy mình vào thế khó.
Ông vừa nhắc tới những câu chuyện như cà phê Trung Nguyên, bánh tráng Ba Cây Tre hay nước mắm Phú Quốc... của Việt Nam đã từng bị xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tại sao đến giờ, chúng ta vẫn tiếp tục mắc phải "kịch bản" này thưa ông?
- Tôi xin nhắc lại, trường hợp sản phẩm bánh tráng Ba Cây Tre của doanh nghiệp Thuận Phong ở Mỹ Tho cũng từng bị một người Mỹ đăng ký thương hiệu Ba Cây Tre nhưng ở Mỹ Thọ. Mỹ Tho và Mỹ Thọ chỉ cách nhau một dấu nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của sản phẩm Việt Nam. Để rồi doanh nghiệp Thuận Phong đã tốn hàng trăm ngàn USD, đi kiện cáo riết mới lấy lại được sở hữu thương hiệu bánh tráng Ba Cây Tre.
Hay sự việc nước mắm Phú Quốc bị Thái Lan mượn tên, cà phê Trung Nguyên từng bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO... đã cho thấy một thực trạng nhức nhối về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho nông sản, hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thẳng thắn mà nói, đúng là những tác giả của Việt Nam đang rất không mặn mà với vấn đề làm thương hiệu, một phần vì thủ tục làm thương hiệu của Việt Nam cũng rất nhiêu khê, rất tốn kém. Đúng ra, chính chúng ta phải tạo điều kiện đảm bảo xây dựng, bảo vệ thương hiệu của sản phẩm Việt Nam.
Ông có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này không, cũng là để các doanh nghiệp Việt chấm dứt tình cảnh "mất bò mới lo làm chuồng" trong vấn đề xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ?
Trong giai đoạn phôi thai này khi các doanh nghiệp chưa quen với vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ, kinh phí của doanh nghiệp, tư nhân hạn hẹp thì rõ ràng Nhà nước cần phải hỗ trợ nâng đỡ để giữ được thương hiệu của Việt Nam. Còn để doanh nghiệp làm hay không thì mặc kệ, rõ ràng đây là lỗi do chính sách, chứ không phải ở một mình doanh nghiệp.
Ngay khi gạo ST25 được giải, tôi đã từng liên hệ với một số nhà nhập khẩu từ phía Mỹ để đưa gạo này phân phối tại siêu thị hàng đầu ở thị trường này. Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi đối tác đề cập tới việc gửi mẫu gạo qua để dùng thử thì ngay "Cha đẻ" ông Hồ Quang Cua cũng không gửi. Sau đó, tôi nói với anh Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.
Anh Bình thì có gửi mẫu sang, nhưng khi họ hỏi liệu đặt hàng thì chất lượng gạo có y chang như vậy hay không? Chúng ta đã không thể trả lời câu hỏi này bởi gạo chúng ta ngon nhưng để cạnh tranh thì phải có chất lượng ổn định, trong khi chuỗi sản xuất của mình vẫn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Còn Bộ NN&PTNT thì chưa công nhận giống nên không có ưu đãi, cũng như mở rộng vùng trồng cho ST25.
Thời gian tới, chúng ta muốn doanh nghiệp, nông dân, nhà nghiên cứu làm thương hiệu, quan tâm tới vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ thì Nhà nước phải định hướng, hỗ trợ cho người ta. Đây là yêu cầu tiên quyết.
Trân trọng cám ơn ông!
Ngày 22/4, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đang có ít nhất 5 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 tại Mỹ và đang chờ duyệt nên thương hiệu gạo của ông Hồ Quang Cua chưa thực sự mất. Nếu ông Hồ Quang Cua không sớm có động thái để bảo vệ thương hiệu ở thị trường nước ngoài thì gạo ST25 có nguy cơ bị mất thương hiệu tại thị trường Mỹ. Ông Phú thông tin: "Hồ sơ đăng ký là bảo mật nên chúng tôi không biết doanh nghiệp này nộp hồ sơ từ bao giờ. Nhưng quy trình là 6 tháng, nếu sau thời gian quy định không có khiếu nại thì Chính phủ Mỹ sẽ cấp quyền bảo hộ". Liên quan tới vấn đề này, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, đây là một câu chuyện đáng buồn, bởi vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, chúng ta đã có hệ thống văn bản rất đầy đủ, từ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và vừa rồi sửa đổi thêm một loạt cơ chế tạo thuận lợi. "Thương hiệu gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua chưa kịp đăng ký bảo hộ trí tuệ thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký mất. Rõ ràng, nếu chúng ta không có cơ chế phổ biến pháp luật, thực thi cũng như tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thì thực sự các các chính sách của chúng ta sẽ giảm hiệu quả trên thực tế rất nhiều", bà Minh nhìn nhận vấn đề. |
Lê Thúy (thực hiện)