Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam, cho biết qua khảo sát của Deloitte thì 69% giám đốc trải nghiệm khách hàng (CXO) được hỏi cho rằng việc xây dựng tín nhiệm cao trong “không gian số” đã giúp cho doanh nghiệp (DN) của họ vượt qua “biến cố” đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
“Liều thuốc” nâng sức thích ứng
Ngoài ra, theo ông Hoàng, có 78% CXO trả lời là việc DN của họ triển khai tốt các công nghệ một cách có đạo đức đã giúp cho việc thích nghi và xoay sở tốt trước các biến cố, gián đoạn trong giai đoạn đại dịch đợt 4.
Những khoản đầu tư vào công nghệ sẽ ngày càng quan trọng hơn trong tương lai đối với các DN Việt như “liều thuốc” để nâng sức thích ứng trước đại dịch Covid-19. |
Trong báo cáo khảo sát về mức độ kiên cường của các tổ chức trong năm 2021 của Deloitte cũng nhấn mạnh, công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ khả năng thích ứng của DN giữa đại dịch bằng nhiều cách.
Điển hình như việc áp dụng các công nghệ số như điện toán đám mây, robot, phân tích dữ liệu, trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ nano, điện toán lượng tử, chuỗi khối (blockchain), cảm biến và Internet vạn vật (IoT) - vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể mang lại cho các DN nhiều lợi ích.
Nhất là các công nghệ kỹ thuật số cũng có thể được các DN sử dụng để giúp tăng cường lòng tin trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng. Hơn thế nữa, những DN áp dụng sớm không chỉ có cơ sở hạ tầng “kỹ thuật số hàng đầu” để cho phép làm việc từ xa trước tác động nặng nề của các đợt đại dịch, mà còn có văn hóa và năng lực làm việc với tư duy “kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu” (digital first).
Theo giới chuyên gia, đại dịch Covid-19 có khả năng đã làm gia tăng số lượng các công việc mà nhân viên các công ty vẫn có thể tiếp tục làm việc từ xa ngay cả khi quy định về giãn cách xã hội và các quy định hạn chế khác kết thúc. Chính vì vậy, những khoản đầu tư vào công nghệ sẽ ngày càng quan trọng hơn trong tương lai đối với các DN Việt như “liều thuốc” để nâng sức thích ứng.
Hoặc như với ngành chế biến thực phẩm và đồ uống (F&B), các nhà phân tích chỉ rõ rằng dựa trên thực tế về thị trường F&B hiện nay, không ngạc nhiên khi dịch bệnh Covid-19 đợt 4 đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu về mặt công nghệ của các DN Việt trong lĩnh vực này, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, duy trì sản xuất, mạng lưới phân phối, quản trị nhân sự, quản lý bán hàng...
Điều đó buộc các DN F&B cần nhận ra điểm yếu này và cần điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng và mạng lưới phân phối của mình thông qua công nghệ mới để có thể thích nghi với khủng hoảng.
Và các DN nhỏ trong ngành hàng F&B đều nhận ra rằng, để hòa nhập và phát triển trong nền kinh tế số cũng như trước tác động của đại dịch, họ cần phải thúc đẩy chuyển đổi số và áp dụng thương mại điện tử.
Đưa công nghệ vào “đi chợ hộ”
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, một số công ty giao nhận và thương mại điện tử đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng cửa hàng đăng ký mới của các DN nhỏ trên nền tảng của họ, với những trường hợp lần đầu tiên chuyển từ mô hình kinh doanh truyền thống sang trực tuyến.
Còn ở góc độ một DN trong lĩnh vực giao nhận có mối liên hệ với ngành hàng F&B và tham gia vào hoạt động “đi chợ hộ” cho một số địa phương ở các tỉnh phía Nam như giai đoạn dịch bệnh hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc điều hành Loship, nhấn mạnh sự can thiệp của công nghệ vào thời điểm này là điều rất cần thiết.
Như chia sẻ của ông Trung, nguồn lực shipper (người vận chuyển hàng hoá) và nền tảng công nghệ của các DN giao vận có thể góp phần xử lý khâu cung ứng hàng hóa một cách hiệu quả hơn.
Vị giám đốc này cho rằng với sự can thiệp của công nghệ, toàn bộ quy trình đặt hàng - mua hàng - nhận hàng - thanh toán sẽ được tự động hóa. Điều này giúp giảm thiểu gánh nặng trong khâu vận hành, giúp cho việc lưu thông hàng hóa thiết yếu đến tay người dân nhanh chóng hơn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo giới chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ lực lượng “đi chợ hộ”, thay vì sử dụng phương án thủ công sẽ có những tác động tích cực khi nhận nhanh chóng yêu cầu của người tiêu dùng. Nhất là cho phép thanh toán trực tuyến nhằm giảm thiểu tiếp xúc vật lý giữa dịch bệnh và những rủi ro về vận hành đều được giải quyết nhanh chóng.
Không chỉ vậy, việc áp dụng công nghệ vào hoạt động “đi chợ hộ” thì sẽ tận dụng được lực lượng tài xế dồi dào, tránh các rủi ro về nhân lực. Mọi thông tin đều được lưu trữ trên hệ thống, hỗ trợ việc truy vết dễ dàng và cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý sau này…
Trở lại với Báo cáo về mức độ kiên cường của các tổ chức trong năm 2021 của Deloitte thì thấy rằng, những DN nào tập trung vào các nguyên tắc đạo đức (chẳng hạn như bảo vệ quyền riêng tư hoặc cố gắng loại bỏ sự thiên vị trong các thuật toán) khi triển khai các công nghệ tiên tiến thì dường như có được khả năng phục hồi và mức độ “kiên cường” cao hơn trước đại dịch Covid-19.
Trong số các CXO được khảo sát chia sẻ rằng, DN của họ đã thực hiện tốt việc triển khai công nghệ một cách có đạo đức, thì khoảng 85% cho biết DN của họ cũng có thể thích nghi và xoay chuyển tốt để đối phó với các sự kiện gián đoạn do đại dịch.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |