Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 1/2 thay vì ngày 21/1 như thường lệ. Lý do, theo quy định của Nghị định 95/2021, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được diễn ra vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên, với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo.
Phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường thế giới
Trong trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong năm 2023 vẫn nhiều thách thức. |
Trên các nhóm hội kinh doanh xăng dầu, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã chia sẻ thông báo của doanh nghiệp đầu mối đến các thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ về thời gian điều chỉnh giá kỳ tới.
Việc lùi thời gian điều hành cũng khiến nhiều người lo ngại kịch bản cửa hàng “hết xăng dầu” lặp lại như năm ngoái khi việc lùi thời gian điều hành cũng đã được áp dụng, dẫn tới ra Tết thị trường xăng dầu bị tác động tiêu cực, nhiều cửa hàng bán lẻ đồng loạt treo biển hết xăng.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật tới ngày 12/1 có xu hướng tăng lên, cụ thể xăng 92: 93,41 USD/thùng, xăng 95: 96,44 USD/thùng, dầu hỏa: 112,58 USD/thùng, dầu diesel: 113,60 USD/thùng, dầu Mazut: 378,99 USD/tấn.
Thực tế, nếu giá xăng dầu thế giới trong những ngày tới ít biến động thì việc lùi thời gian điều hành không gặp phải vấn đề gì lớn nhưng nếu giả sử biến động mạnh thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung ứng trong nước, dù nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cho biết đã hoạt động 100% công suất trở lại sau sự cố tạm dừng phân xưởng vừa rồi.
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc liên doanh, Giám đốc nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, thừa nhận do gặp sự cố tạm dừng phân xưởng nên tổng sản lượng cung cấp ra thị trường trong tháng 1/2023 sẽ đạt 600.000 m3, giảm một phần do công suất nửa đầu tháng 01/2023. Sản lượng xăng dầu kế hoạch đã báo cáo (tối thiểu) của tháng 2 sẽ là 620.000 m3 và tháng 3 là 770.000 m3. Tổng khối lượng Quý 1/2023 giảm một ít so với kế hoạch, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tập trung tăng công suất trong nửa sau tháng 01/2023 và các tháng tiếp theo để bù lại phần bị sụt giảm.
Giao trách nhiệm cho lọc dầu Nghi Sơn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những hạn chế của nhà máy trong thời gian vừa qua, đó là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy, đặc biệt có những sự cố khiến nhà máy phải dừng vận hành tạm thời. Các sự cố xảy ra tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm gián đoạn vận hành, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Đặc biệt trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao và gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều hành thị trường xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước.
"Gần đây nhất, vào ngày 28/12/2022, nhà máy xảy ra sự cố rò rỉ xúc tác tại phân xưởng RFCC, theo đó đã phải tạm dừng phân xưởng RFCC và giảm công suất chung của toàn nhà máy để khắc phục sự cố. Sự cố đã làm giảm sản lượng xăng dầu từ nhà máy khoảng 20-25% so với kế hoạch trong tháng 01/2023, tương đương khoảng 200.000 m3 (kế hoạch ban đầu là 800.000 m3, thực tế hiện nay còn khoảng 600.000 m3). Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt trong giai đoạn Tết Nguyên đán sắp đến khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu lên cao", Bộ trưởng Diên cho biết.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu, Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với các nhà phân phối. Bởi công ty và các nhà phân phối đã có những cam kết rất chặt chẽ, phía Việt Nam đã có cam kết cụ thể nhưng phía nhà máy chưa thể hiện sự cam kết của mình trong việc cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối. “Đã có mấy lần phía nhà máy đều đột ngột thông báo dừng. Sự cố là không ai mong muốn nhưng phải nỗ lực, có sự chia sẻ khó khăn, chia sẻ rủi ro cho những nhà phân phối”, ông nói.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cần phải bảo đảm nguồn theo cam kết, nghiêm túc nghiên cứu, sớm chấp nhận điều khoản bồi hoàn cho người mua khi nhà máy gặp sự cố không giao được hàng cho khách hàng, giảm sản lượng. Bởi đây là thông lệ quốc tế cần thực hiện.
Đặc biệt, tháng 5 tới khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng định kỳ, Bộ trưởng đề nghị ngay sau khi khắc phục sự cố phải khẩn trương đẩy công suất đến tối đa để có lượng hàng bù đắp cho khoảng hơn 50 ngày nhà máy thực hiện bảo dưỡng. Kể cả sản phẩm và bán thành phẩm, bằng việc tăng công suất kho chứa, thậm chí phải thuê để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất.
"Nhà máy đã đặt ra kế hoạch bảo dưỡng định kỳ thì cố gắng giữ vững kỷ cương về mặt thời gian, dự kiến là 50 ngày thì phải đúng 50 ngày, không được kéo dài. Bởi phía nhà máy phải thông báo chắc chắn, rõ ràng bao nhiêu thời gian để nhà máy có thể cung ứng được sản lượng thì Bộ Công Thương mới có cơ sở điều hành thị trường, tăng sản lượng phân giao", Bộ trưởng yêu cầu.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong năm 2023 vẫn nhiều thách thức khi Việt Nam không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Thị trường vẫn có những biến động rất khó lường, nhất là khi sản lượng, nguồn cung dầu mỏ trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn.
Lo ngại nhất của các nhà máy lọc dầu trong nước là nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước đang khá khó khăn. Trong khi đó, lượng dầu thô nhập khẩu có giá rất cao. Hết ngày 15/12/2022, giá dầu thô nhập về Việt Nam bình quân là 17,7 triệu đồng/tấn, cùng kỳ năm trước chỉ 11,8 triệu đồng/tấn, mức giá tăng gần 50%. Điều này khiến chi phí và giá thành có thể sẽ tăng cao trong năm 2023, áp lực lớn cho các nhà máy lọc dầu trong nước.
Thy Lê