19 tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm cung cấp 32,2% sản lượng thịt và 36,9% sản lượng trứng gia cầm của cả nước. Mỗi ngày, các tỉnh này cung cấp 6.091 tấn thịt hơi, 19,2 triệu quả trứng gia cầm...
Ứ đọng vì không chủ động được khâu chế biến
Đây có thể được đánh giá là vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ chăn nuôi thì rất phát triển, song số lượng nhà máy chế biến, giết mổ sản phẩm chăn nuôi rất ít, chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào TP.HCM.
![]() |
Ngành chăn nuôi cần phải thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vào khâu chế biến, giết mổ. |
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, phản ánh thời gian qua khi TP.HCM bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, giãn cách xã hội thì lượng gia cầm, lợn hơi của các địa phương Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long bị ứ đọng.
Người chăn nuôi ở khu vực này chủ yếu bán gia cầm, lợn hơi cho thương lái. Dịch bệnh căng thẳng, họ phải bán vội để chạy lỗ vì lo sợ không bán thì càng ế, trong khi không đủ chi phí thức ăn để duy trì.
Ông Quyết chia sẻ: "Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi không muốn lên tiếng tại các cuộc họp, nhưng họ phản ánh với chúng tôi là để đầu tư cơ sở, mở rộng sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tiếp cận đất đai. Điều này dẫn đến tình cảnh sản lượng của ngành chăn nuôi Việt Nam rất lớn song xuất khẩu thì ít, nhiều đối tác nước ngoài vào lắc đầu vì cơ sở chế biến, giết mổ của mình nhỏ bé, công nghệ đầu tư kém".
"Nhiều doanh nghiệp chế biến đi thuê, đi mướn địa điểm nên không xây dựng được cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Quyết nói.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, vừa qua ở TP.HCM, nhiều cơ sở giết mổ không đủ điều kiện thực hiện 3 tại chỗ. Tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam, lượng lợn đưa vào giết mổ đã giảm từ mức 4.000 - 7.000 con lợn/ngày xuống còn từ 2.800 - 4.000 con/ngày. Lượng lợn đưa vào giết mổ tại các thành phố lớn ghi nhận sự sụt giảm khoảng 30% trong tháng 8 và lên tới 50% trong tháng 9 khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, khiến các lò mổ, chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa.
Theo đó, để các địa phương phía Nam không phụ thuộc vào cơ sở giết mổ ở TP.HCM, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, dự trữ thực phẩm, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đề nghị Bộ NN&PTNT phải có cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, xây dựng nhà máy giết mổ ở ngoại thành. "Người có tâm huyết muốn đầu tư vào ngành chăn nuôi thì cần được tạo điều kiện", ông Quyết nói thay vì doanh nghiệp đi xin các tỉnh quỹ đất thì bị từ chối.
Cần chính sách cởi mở, thông thoáng
"Những doanh nghiệp, người lãnh đạo doanh nghiệp nào tâm huyết, thực sự muốn đầu tư vào nông nghiệp, vào chăn nuôi thì cơ quan các cấp cần tạo điều kiện cho người ta, đừng đánh đồng họ với những người trục lợi, lừa đảo theo kiểu xin đất để làm dự án xong lại bán đất. Nếu cứ khắt khe, đánh đồng như vậy là không công bằng với doanh nghiệp làm ăn chân chính".
Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, đúng là vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long rất phát triển ngành chăn nuôi nhưng chế biến, giết mổ còn yếu kém. Thời gian tới, các địa phương cũng cần có cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.
"Nhà nước không thể cho tiền để doanh nghiệp đầu tư nhà máy, nhưng có thể đầu tư hạ tầng đến công trình của doanh nghiệp, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động", ông Tiến nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ niềm tin rằng 2 - 3 năm nữa, số lượng chuỗi từ chăn nuôi tới chế biến, giết mổ, phân phối và bán lẻ của ngành chăn nuôi sẽ gia tăng mạnh mẽ. Doanh nghiệp, hợp tác xã cùng nông dân cần kết nối thành chuỗi để tạo nên sức mạnh.
Tập đoàn Quế Lâm - đang sở hữu chuỗi chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã mở rộng quy mô lên 35.000 con/năm (chủ yếu tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Biotech Quế Lâm - Vĩnh Phúc; Trang trại 4F và liên kết vệ tinh với các hộ nông dân). Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm cho hay, sở dĩ ông chọn Thừa Thiên Huế để thí điểm mô hình là do cán bộ ở đây rất tâm huyết, lăn lộn cùng doanh nghiệp để xây dựng ra mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, an toàn sinh học.
"Doanh nghiệp mong muốn nhất là chính sách cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện cho tiếp cận đất đai. Đồng thời, cán bộ địa phương cũng cần khuyến khích, vận động nông dân liên kết với doanh nghiệp", ông Lam nói.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, những doanh nghiệp, người lãnh đạo doanh nghiệp nào tâm huyết, thực sự muốn đầu tư vào nông nghiệp, vào chăn nuôi thì cơ quan các cấp cần tạo điều kiện cho người ta, đừng đánh đồng họ với những người trục lợi, lừa đảo theo kiểu xin đất để làm dự án xong lại bán đất. Nếu cứ khắt khe, đánh đồng như vậy là không công bằng với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hơn nữa, nếu không thu hút được doanh nghiệp đầu tư thì sẽ không thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết các loại thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam muốn xuất khẩu thì phải được kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm chặt chẽ theo đúng quy định của nước xuất khẩu và Tổ chức Thú y thế giới.
Lê Thúy