Tại Hội thảo khoa học quốc gia - Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 diễn ra ngày 17/4, phác hoạ lại bức tranh kinh tế năm vừa qua, GS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định trong năm qua kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn. "Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19. Trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện", ông Chương nhấn mạnh.
Tác động của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới khiến những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2024 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2023. Dự báo tăng trưởng kinh tế do các tổ chức quốc tế đưa ra ở mức 5,5-6,0%, thấp hơn so với kế hoạch 6,0-6,5% do Quốc hội đề ra.
Các chuyên gia nghiên cứu nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới ít nhất trong nửa đầu năm 2024. |
Nhìn chung năm 2024, các chuyên gia nghiên cứu nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Theo đó, những động lực truyền thống đến từ tổng cầu còn yếu, khu vực doanh nghiệp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới còn chưa rõ ràng. Môi trường tài chính và vĩ mô như hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường TPDN, thị trường vàng và thị trường BĐS còn chứa đựng nhiều rủi ro. Những thay đổi thể chế để tạo điều kiện cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm trễ trong việc ban hành, thực thi công vụ còn chậm do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng còn thấp, mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện.
Theo các chuyên gia, tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…
Phục hồi tổng cầu tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc tới tại hội thảo.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.
"Qua hơn 30 năm (giai đoạn 1991-2023), tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam đạt khoảng 6,2%. Trong khi đó, Hàn Quốc trong 40 năm trung bình đạt khoảng 8%, Nhật Bản đạt khoảng 9,4%. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ khó bứt phá và mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 gặp nhiều khó khăn", ông Hiển cho hay.
Nhận định chi tiết hơn, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết, việc quản lý tổng cầu trong giai đoạn vừa qua có vấn đề khi hầu hết các yếu tố đều gia tăng nhập siêu, đặc biệt là khu vực FDI. Riêng khu vực đầu tư tư nhân, dù mang lại giá trị gia tăng cao nhất nhưng lại gặp nhiều khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua, kéo theo ảnh hưởng đến nền kinh tế trong giai đoạn tới.
"Trong mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện mà muốn đạt mục tiêu thì phải dùng các chính sách thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên để kích thích tổng cầu mà không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và tài chính quốc gia thì cần lưu ý về liều lượng và trọng tâm", ông Thành chia sẻ.
Từ những phân tích và đánh giá tình hình thực tế của Việt Nam cũng như trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhóm tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách vĩ mô thúc đẩy tổng cầu.
Đối với chính sách thúc đẩy đầu tư, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân. Cụ thể, tiếp tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; hạn chế các tác động bất lợi đến doanh nghiệp…
GS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh về việc cần coi khu vực tư nhân là quan trọng nhất, từ đó việc thiết kế chính sách cần tập trung vào lĩnh vực này. Trong đó bao gồm hỗ trợ giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Giảm thuế phí cả chính thức và không chính thức...
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công. “Nâng cao chất lượng và hiệu quả là mấu chốt”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất", ông Thành cho hay.
Cùng với đó, tập trung vào cơ sở hạ tầng liên vùng, phát triển khoa học công nghệ, hệ thống trường học... từ đó tăng tổng cầu trong dài hạn.
Ngoài ra cũng cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác hiệu quả các FTA, ban hành khung pháp lý về tiêu chí xanh... để thu hút thêm giá trị gia tăng.
Chuyên gia cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh các chính sách tài khóa hơn chính sách tiền tệ do còn dư địa. Với chính sách tiền tệ, thay vì tập trung giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng thì cần gia tăng hiệu lực chính sách, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khối tư nhân.
Thanh Hoa