Nhóm nghiên cứu cho rằng kinh tế thế giới dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại trong năm 2024 (2,4% so với mức tăng 2,6% năm 2023) dù thương mại và đầu tư dần phục hồi, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (3,5-4% từ mức 5,7% năm 2023).
Đối với Việt Nam, nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4-3,8%, trong mục tiêu là 4-4,5%.
Tuy nhiên, nhìn nhận thị trường, các chuyên gia cho rằng tình hình địa chính trị thế giới biến động khó lường, tác động đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Song, theo TS. Cấn Văn Lực Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV: “Hệ thống tài chính của chúng ta vững vàng hơn rất nhiều; đồng thời năng lực quản trị điều hành nâng lên…”
Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4-3,8%, trong mục tiêu là 4-4,5%. |
Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực. Tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023.
Khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật các TCTD sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và các luật quan trọng khác (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…) có hiệu lực từ đầu năm 2025, với nhiều điểm mới quan trọng…
Mặc dù cho rằng thị trường tài chính năm nay sẽ tích cực hơn, song các chuyên gia cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14-15%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn. Việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá.
“Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và xu hướng tăng trưởng xanh, tài chính xanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư, phát triển thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao. Rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng…, đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường”, TS. Lực nói.
Nêu giải pháp để phát triển thị trường tài chính, ông Lực cho rằng, cần đồng bộ phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, trong đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN để giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng, hiện thực hóa việc nâng hạng TTCK (từ “cận biên” lên “mới nổi”) theo đúng kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát thị trường tài chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại cũng như tận dụng xu hướng mới, cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh và chuyển đổi số, trong đó có Fintech.
“Đồng thời, gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng thông qua cho phép các các tổ chức tín dụng có sở hữu Nhà nước được giữ lại cổ tức Nhà nước hàng năm để tăng vốn; đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các các TCTD, nhất là các các TCTD yếu kém. Đồng thời, đẩy nhanh tháo gỡ pháp lý cho thị trường đất đai, bất động sản nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống. Sớm có hướng dẫn triển khai Luật Các các tổ chức tín dụng sửa đổi, phát triển tài chính xanh, cũng như các đạo luật quan trọng đã được ban hành; nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng của các định chế tài chính; bình ổn thị trường vàng theo kế hoạch, giải pháp đã đề ra”, TS. Lực nói.
Thanh Hoa