Bà Lâm Ngọc Sao Mai, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thiết bị siêu âm Việt Nam (Vietsonic, ở huyện Hóc Môn, Tp.HCM) cho biết, thời gian qua, một số đối tác muốn nhập khẩu loại máy sản xuất khẩu trang do công ty chế tạo vào thị trường Mỹ.
Tốn chi phí vì mù mờ luật
Tuy nhiên, phía đối tác yêu cầu máy sản xuất khẩu trang phải có C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hoá) tại Việt Nam và không liên quan gì đến các quốc gia khác, nhằm tránh tình trạng gian lận xuất xứ, nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc rồi “đột lốt” hàng Việt để xuất đi nước khác.
Để XK “thuận buồm xuôi gió” đòi hỏi các DN Việt cần tìm hiểu kỹ luật của Mỹ. |
Điều bà Mai còn băn khoăn là việc chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho loại máy móc như nêu trên. Bởi lẽ, với một sản phẩm máy móc lắp ráp thì khó có thể 100% xuất xứ tại Việt Nam, nhất là có những linh kiện trong máy không thể nào sản xuất trong nước được mà phải nhập từ Hàn Quốc, Đức hoặc kể cả Trung Quốc.
“Làm sao để chứng minh máy móc của chúng tôi sản xuất ở Việt Nam? Việc cấp C/O đó sẽ như thế nào?”, bà Mai đặt câu hỏi.
Đây cũng là vấn đề còn mù mờ của nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay về mặt xuất xứ và các C/O khi hướng đến XK máy móc vào Mỹ.
Không chỉ các nhà sản xuất máy móc, theo giới chuyên gia, các DN Việt Nam nói chung khi XK vào Mỹ, điều quan trọng là cần cung cấp thông tin cụ thể, công khai minh bạch. Đặc biệt là khi phía hải quan Mỹ có đủ công cụ và phương pháp kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chứ không chỉ là các C/O từ phía DN đưa ra.
Thực tế, các DN sản xuất ra hàng hoá là chủ thể hiểu rõ nhất quy trình sản xuất hàng hoá của mình như thế nào. Tuy nhiên, đến hiện tại, dù muốn đưa sản phẩm XK sang thị trường Mỹ, không ít DN vẫn còn thiếu những kiến thức nhất định về các quy tắc, thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hoá.
Ngoài vấn đề này, luật sư Matthew Schulz thuộc Công ty Luật toàn cầu Dentons (Mỹ) cho biết, một trong những vụ việc mà ông đã từng giải quyết là một mặt hàng Việt đã bị phía Mỹ từ chối cho nhập khẩu và đơn hàng đó buộc phải huỷ, dẫn đến tốn kém nhiều chi phí.
Khi nhìn lại vụ việc, theo ông Matthew, phía nhà XK đã có lỗi khi không tìm hiểu kỹ luật của Mỹ và DN có những vấn đề về mặt nhãn hàng của mình trước khi đưa sản phẩm XK.
“Việc này làm tổn hại đến uy tín của nhà sản xuất ở Việt Nam nếu như nhà phân phối không tìm hiểu kỹ về mặt pháp lý khi đưa hàng vào Mỹ”, ông Matthew nói.
Cũng theo vị luật sư này, trong một hợp đồng hoàn chỉnh sẽ nêu rõ nhà sản xuất hay nhà phân phối có trách nhiệm tìm hiểu luật của quốc gia mà mình xuất hàng đi.
Không thể chủ quan
Một chuyên gia nhấn mạnh, DN XK hoặc có kế hoạch XK hàng hóa sang Mỹ cần lưu ý ghi nhãn sản phẩm là một việc quan trọng và được quy định chặt chẽ bởi pháp luật ở Mỹ.
Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, DN Việt Nam XK vào Mỹ cần lưu ý đến việc đóng gói và dán nhãn sản phẩm. Một số sản phẩm có những quy định dán nhãn bắt buộc. Việc ghi sai hoặc thiếu nhãn sản phẩm theo quy định có thể bị từ chối nhập cảnh tại cảng, hoặc tệ hơn còn bị phạt vì vi phạm các quy định ghi nhãn của Mỹ.
Với các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc và thiết bị y tế, nếu phát hiện sản phẩm nhập khẩu có một trong những vi phạm ghi nhãn này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ từ chối nhập cảnh hoặc tạm giữ sản phẩm của DN.
“Điều đó sẽ khiến DN mất rất nhiều tiền và có khả năng làm hỏng mối quan hệ của DN với người mua. Vậy nên, các DN XK cần chú ý đến việc ghi nhãn sản phẩm”, đại diện Chi nhánh Thương vụ lưu ý.
FDA hiện cũng được yêu cầu tăng số lần kiểm tra định kỳ tại các cơ sở thực phẩm ở nước ngoài. Nếu một nhãn hàng bị phát hiện không tuân thủ các quy định trong quá trình kiểm tra, FDA có thể tính phí kiểm tra lại để đảm bảo việc ghi nhãn đã được tuân thủ, với mức chi phí 325 USD/giờ.
Vào ngày 15/3, Chi nhánh Thương vụ Houston cũng cho biết, theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, Tòa án thương mại quốc tế Mỹ (The US Court of International Trade - CIT) đang đặt nghi vấn liệu các nhà nhập khẩu có thể dựa vào Quy tắc “Bán hàng đầu tiên” (The First sale rule) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam hoặc các DN thuộc nền kinh tế phi thị trường khác hay không?
Nếu sau đó được tòa án cấp trên chấp thuận với cùng lý do theo đề xuất của CIT đã nêu, thì quyết định này có thể ảnh hưởng đến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, thường không chỉ liên quan đến các giao dịch của các bên liên quan, mà còn cả các yếu tố đầu vào, chế biến, nhà cung cấp và trung gian phi kinh tế thị trường. Khi đó, Mỹ có thể sẽ đánh giá lại các phương pháp định giá sản phẩm nhập khẩu hoặc các mô hình cung ứng của các DN liên quan thuộc các chuỗi/xem xét mức áp thuế nhập khẩu hàng hoá cho một số thị trường.
Các DN Việt cần lưu tâm chuyện này trong hoạt động XK vào thị trường Mỹ, nhất là khung pháp lý hiện hành về xác định giá trị hải quan của Mỹ, chẳng hạn như việc đánh giá trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu.
Thế Vinh