Mặc dù đang hoạt động sản xuất giữa bối cảnh giá xăng dầu cao như hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (chuyên sản xuất, chế biến hạt điều), cho biết giá thành sản phẩm của công ty vẫn chưa có gì thay đổi.
Ghi nhận ở ngành điều
Theo ông Đạt, nếu về lâu về dài, giá xăng dầu vẫn giữ ở mức cao thì đương nhiên giá thành sản phẩm sẽ bị biến động, có thể là tăng thêm 5 - 10% so với hiện tại.
Các DN chế biến hạt điều đứng trước nỗi lo hạt điều thô bị mua gom đầu cơ "làm giá" ngày càng nhiều, dẫn đến giá nguyên liệu cao so với giá điều nhân. |
Còn hiện tại, như chia sẻ của vị giám đốc này, giá thành sản phẩm của công ty không chỉ liên quan đến giá xăng dầu mà còn ở giá nguyên liệu đầu vào là hạt điều thô vẫn đang ổn định. Điều đó là nhờ công ty (là một trong 9 đơn vị có chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước) đã làm tốt việc thu mua hạt điều nguyên liệu từ các trang trại, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh.
“Một khi giá thành sản xuất tăng lên sẽ dẫn đến việc giá sản phẩm sẽ tăng theo, khi đó lượng tiêu thụ có thể sẽ chậm lại. Cho nên, chúng tôi cố gắng để kiềm giữ mức giá như hiện giờ”, ông Đạt cho biết.
Có thể nói, việc ổn định được nguồn nguyên liệu hạt điều thô ngay tại địa phương để hạn chế tăng giá thành sản phẩm như trường hợp công ty của ông Đạt là rất đáng ghi nhận.
Đặc biệt là trong bối cảnh ngành điều trong năm 2022 này đang có nhiều âu lo vì giá xuất khẩu liên tục giảm, đặt ra thách thức lớn cho các DN trong việc giải “bài toán” lợi nhuận.
Thậm chí, lo ngại bất ổn địa chính trị thế giới tác động đến kinh tế toàn cầu, nên mới đây, lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết sẽ có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hạt điều năm 2022 từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD.
Qua trao đổi với VnBusiness, một số DN trong ngành điều ở tỉnh Bình Phước thông tin, trong tương lai xa với “kịch bản” giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức cao thì công ty của họ cũng sẽ bị tăng thêm nhiều chi phí nguyên vật liệu đầu vào và các chi phí vận chuyển, logistics… Khi đó, giá thành sản phẩm sẽ cao và giá đầu ra chắc chắn càng cao hơn.
Ngoài ra, như lưu ý gần đây của ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, đó là thị trường ngành điều ngày càng có nhiều DN tham gia sản xuất, sự cạnh tranh ngày càng cao, khốc liệt hơn. Hiện tượng hạt điều thô bị DN mua gom đầu cơ "làm giá" diễn ra ngày càng nhiều, dẫn đến giá nguyên liệu cao so với giá điều nhân.
Trong khi sản lượng điều thô thế giới ngày càng tăng (trung bình mỗi năm tăng 10%), vì thế, theo ông Sơn, các DN điều cần phải đoàn kết để chống lại việc bị ép phải mua giá điều thô ở mức cao, không cạnh tranh mua bằng được để phá giá lẫn nhau. Đối với hạt điều Việt Nam cần phải mua với giá hợp lý, có lợi cho người trồng điều, để đảm bảo lợi ích hai bên giữa người trồng điều và nhà sản xuất, chế biến.
Thích ứng tốt, liên kết chặt
Không chỉ với ngành điều, mối băn khoăn chung của các ngành nông sản khác trong lúc này là làm sao hạn chế thấp nhất việc tăng các loại chi phí để không tác động đến giá thành sản xuất.
Và để hạn chế việc tăng chi phí, tăng giá thành, một trong những yếu tố cần thiết là các DN, HTX trong ngành hàng nông sản cần phải thích ứng tốt trước tình hình khó khăn chung khi mà giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như ở An Giang có HTX nông nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) được được đánh giá là thích ứng tốt trước tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay nhằm tránh ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Theo đó, đối với dịch vụ bơm tưới, bơm tiêu, để thay thế trạm bơm dầu, HTX đã đầu tư các trạm bơm điện. Với các dịch vụ khác có sử dụng phương tiện máy móc, như: Máy cày, máy xới, máy cuốc đất..., HTX tiến hành sắp xếp lại thành các đội, nhóm, tổ theo hướng mỗi tổ phục vụ chung một khu vực, theo sự điều hành của HTX.
Cụ thể, trong quá trình cày, xới đất, tất cả làm theo lộ trình cuốn chiếu (làm từ ngoài bờ rào đến cuối tiểu vùng quy hoạch), nhằm hạn chế di chuyển từ ruộng này đến ruộng khác (theo cách cũ).
Từ cách làm mới như vậy đã giúp chi phí xăng dầu của HTX giảm, các chủ phương tiện hạ giá dịch vụ cho thành viên, nông dân trong vùng từ 5-10% (đối với chi phí làm đất). Và với chi phí giảm từ 5-10% đã có ý nghĩa rất lớn, giúp thành viên HTX giảm được chi phí, giá thành sản xuất trong mùa vụ.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, “vướng bận” lớn của giá thành sản xuất nông sản từ việc tăng giá nguyên nhiên liệu đang đòi hỏi không chỉ có sự thích ứng tốt của các HTX, DN mà còn cần cả sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị nông sản.
Trong đó, việc liên kết giữa DN với HTX và nông dân bằng các hợp đồng cung ứng hàng hoá, vật tư đầu vào cho đến bao tiêu sản phẩm đầu ra được cho là sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhằm tránh tăng giá thành nông sản.
Ðặc biệt, trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày một gay gắt, tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19, tình hình kinh tế toàn cầu khó đoán định… càng cho thấy liên kết là hướng đi tất yếu, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Để từ đó hoạt động xuất khẩu của nông sản Việt sẽ tránh được những bất lợi từ giá thành.
Thế Vinh