Sau đợt tăng giá xăng “khủng” mới nhất, để đổ đầy một bình xăng cho chiếc xe máy số, anh Ngô Minh Hưng (làm nghề xây dựng, trú quận 7, Tp.HCM) cho biết đã phải tiêu tốn hết 107.000 đồng cho 3,2 lít xăng.
Tác động nhiều đến nhóm người thu nhập thấp
Trước khi có những đợt tăng giá xăng kỷ lục, anh Hưng chỉ tốn trung bình khoảng 50.000 - 60.000 đồng, rồi nhích lên 70.000 - 80.000 đồng là có thể đổ đầy bình xăng cho chiếc xe máy của mình.
Chắc chắn khi giá xăng tăng cao kỷ lục như hiện tại sẽ dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng khác do tính chất truyền dẫn, ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân. |
“Là dân lao động nên chúng tôi đi lại nhiều. Với số tiền gần 110.000 đồng để đổ đầy bình xăng thì cũng chỉ đi lại được khoảng một ngày cho đến một ngày rưỡi là phải đổ bình xăng mới”, anh Hưng nói.
Với khoản thu nhập còn khiêm tốn như hiện tại, anh Hưng bày tỏ mong muốn giá xăng được kéo giảm và ổn định. Còn giá xăng nếu tiếp tục tăng cao hơn nữa, trong khi thu nhập không tăng thì sẽ gây khó khăn cho bản thân anh và nhiều người lao động thu nhập thấp khác.
Nhìn vào tình cảnh hiện tại của người dân, Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT), cho rằng xăng dầu là một mặt hàng trong chi tiêu hàng ngày của nhiều hộ gia đình. Giá xăng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân.
Theo ông Tùng, trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Cần lưu ý rằng, đây chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này, và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn.
“Khi giá xăng tăng, tỷ trọng chi tiêu mặt hàng này sẽ tăng lên, dẫn đến giảm thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Ngoài ra, giá xăng tăng cũng kéo theo sự tăng giá của những loại hàng hóa khác, do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác”, vị chuyên gia kinh tế của RMIT lưu ý.
Như vậy, với cùng một mức thu nhập, người dân chỉ mua được một lượng hàng hóa ít hơn khi giá xăng tăng, hay sức mua của người dân sẽ giảm.
Đồng thời, chắc chắn khi giá xăng tăng cao kỷ lục như hiện tại sẽ dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng khác do tính chất truyền dẫn. Theo tính toán, lạm phát trong những tháng đầu năm 2022 chủ yếu đến từ tác động trực tiếp của giá xăng dầu. Hiện tại, tác động gián tiếp của giá xăng dầu lên lạm phát ở những nhóm hàng có tỷ trọng chi tiêu lớn, đơn cử như nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Kiểm soát chi tiêu, điều chỉnh giá linh hoạt giữa nỗi lo lạm phát
Trong những tháng cuối năm 2022, việc giá xăng tiếp tục tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát khi các doanh nghiệp (DN) bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhằm theo kịp đà tăng của xăng dầu. Dù ảnh hưởng gián tiếp của giá xăng dầu lên lạm phát có độ trễ, nhưng tác động này sẽ không hề nhỏ nếu giá cả của những nhóm hàng có tỷ trọng lớn tăng mạnh.
Ts. Bùi Duy Tùng khuyến nghị Chính phủ cần hỗ trợ người dân bằng cách giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu dầu thô. Giá dầu thô tăng lên sẽ bù vào phần ngân sách bị mất đi khi Chính phủ hỗ trợ người dân. Như vậy, Chính phủ vẫn có thể tính toán lại nguồn thu và nhiệm vụ chi trước bối cảnh lạm phát trong tương lai.
Để vượt qua thời kỳ lạm phát cao, giới chuyên gia lưu ý người dân có thu thập thấp và trung bình cần phải hết sức thận trong việc chi tiêu do không có nhiều thu nhập thụ động ngoài lương. Thứ nhất, họ cần phải lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết. Việc cần thiết là phải bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát.
Việc thứ hai là người dân nên tránh đầu tư dàn trải trong thời kỳ lạm phát. Nhiều lý thuyết trong kinh tế học và các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đều chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa lạm phát và giá cả của các loại tài sản tài chính như cổ phiếu. Có nghĩa là khi lạm phát tăng thì giá cổ phiếu sẽ giảm. Đối với những người có thu nhập thấp và trung bình, đầu tư không phải là việc nên làm trong thời kỳ lạm phát.
Đi vay cũng là một điều không nên trong thời kỳ “bão giá” đối với các đối tượng này. Thông thường, các chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát bằng việc nâng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Đi vay trong thời điểm hiện nay sẽ làm tăng áp lực và gánh nặng trả nợ đối với các hộ gia đình có thu nhập cố định.
Về phía các DN, theo Ts. Bùi Duy Tùng, cũng cần kiểm soát việc chi tiêu và có chính sách điều chỉnh giá cả linh hoạt. Chính sách giá bán cần phù hợp với lạm phát và sức mua của người dân ở từng thời điểm. Tiếp theo, các DN có thể xem xét tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong thời kỳ lạm phát.
Ngoài ra, các DN còn có thể sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào khác để thay thế cho các loại đang sử dụng. Khi lạm phát xảy ra, không phải giá cả của tất cả các mặt hàng đều tăng bằng nhau, có những hàng hóa tăng ít hơn những loại khác. Do đó, DN có thể sử dụng những sản phẩm thay thế rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.
“Việc đi vay và đầu tư dàn trải vào các dự án cũng không được khuyến khích do rủi ro và chi phí đi vay sẽ cao hơn trong thời kỳ lạm phát. Đối với những DN có tiềm lực tài chính không tốt thì việc bảo toàn vốn sẽ quan trọng hơn là việc phát triển trong thời gian lạm phát cao”, vị chuyên gia của RMIT chia sẻ.
Thế Vinh