Là một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị Việt, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát (Tp.HCM), cho biết mỗi tháng công ty xuất khẩu (XK) được một container sản phẩm nước sốt ớt (sản xuất từ nguồn nguyên liệu ớt của Việt Nam) vào thị trường Mỹ.
Kỳ vọng mới giữa thị trường lớn mạnh
Điểm đáng chú ý, như chia sẻ của vị giám đốc nêu trên, đó là sản phẩm nước sốt ớt XK sang Mỹ không phải bán cho các Việt kiều ở đây mà là bán cho người Mỹ ở Mỹ.
Tuy vậy, XK nước sốt ớt không phải là nguồn doanh thu chính của công ty này. Như chia sẻ của bà Vân Anh, phía công ty trước đây chủ yếu cung cấp cho các khách hàng DN chế biến thực phẩm trên thị trường nội địa. Đầu tiên là cung cấp tiêu cho các công ty sản xuất xúc xích, tiếp đến là bột ớt cho một vài đối tác lớn.
Thị trường gia vị Việt đang lớn mạnh, tạo đà cho các DN Việt mở rộng đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. |
Cũng theo vị giám đốc Công ty Trí Việt Phát, sau một thời gian cung cấp cho các DN chế biến cách đây khoảng một năm, dù thị trường đang chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn quyết định chế biến ra sản phẩm gia vị riêng.
Ban đầu phía công ty thử bán sản phẩm muối ớt kim quất (sản phẩm sốt chấm được tạo nên từ những quả kim quất mọng nước) cho chuỗi siêu thị mini Bách Hóa Xanh và nhận được phản hồi rất tốt.
Và đến nay, sản phẩm này cùng một số loại gia vị chế biến khác đã được phân phối rộng khắp ở các tỉnh, thành phía Nam, kể cả việc cung cấp các loại nước sốt chua ngọt, sốt cay, sốt ớt sriracha đỏ cho một số đối tác lớn ở ngành hàng kinh doanh dịch vụ ẩm thực (F&B).
Có thể nói những tín hiệu tích cực trong sản xuất kinh doanh ở một DN vừa và nhỏ như công ty của bà Vân Anh là rất đáng ghi nhận. Điều này cũng góp phần mở ra những kỳ vọng mới cho thị trường gia vị Việt phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Như nhận định của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tại buổi toạ đàm ở Tp.HCM ngày 15/4 để bàn về “dòng chảy thị trường gia vị”, sự lớn mạnh của thị trường gia vị Việt là điều rất đáng quan tâm.
Điều này có thể nhìn vào trường hợp cụ thể như sản phẩm tương ớt, nếu có theo dõi thị trường gia vị trong nước sẽ thấy đang có sự cạnh tranh trên thị trường. Nhất là những tháng liên tiếp gần đây, thông tin thị trường có lúc lại thể hiện tương ớt của DN này vượt lên, sau đó vài tháng lại có DN khác vượt lên.
Thế nhưng, khi nhắc đến vấn đề XK gia vị, bà Hạnh bày tỏ băn khoăn khi mà gia vị Việt hiện chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Vì không có thương hiệu nên giá bán chưa thể tương xứng với giá trị. Để thay đổi hiện trạng này thì phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi các DN Việt cùng có ý thức xây dựng.
Một nguồn xuất khẩu rất lớn
“Tôi hy vọng nhà nước có thể dành ra một đội ngũ hùng hậu để nghiên cứu các loại gia vị và đưa ra một thứ tự ưu tiên đầu tư cho một số gia vị nào đó. Chẳng hạn, hỗ trợ cho công ty mì gói, đồ khô, thực phẩm ăn liền của Việt Nam. Đây là một nguồn XK rất lớn”, bà Hạnh nói.
Không những vậy, nếu các DN trong ngành hàng này liên kết với nhau sẽ giúp cho việc quảng bá, làm thương hiệu cho một dải sản phẩm gia vị Việt trở nên rất rộng (từ gia vị nói riêng cho đến nông sản thực phẩm nói chung) trên thị trường quốc tế.
Với các DN trong ngành gia vị Việt, những đánh giá cho thấy họ có rất nhiều lợi thế khi mà trong nước sở hữu nguồn nguyên liệu nông sản rất lớn và phong phú cho việc sản xuất chế biến gia vị, như: Ớt, cà, hạt tiêu, quế, hồi, gừng, nghệ, hành, tỏi, chanh, thảo quả, thuỷ hải sản, các loại rau củ quả khác…
Với nguồn nguyên liệu lớn như vậy thì Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh công nghệ chế biến gia vị và trở thành nguồn cung quan trọng của thế giới, có thể thu về về hàng tỷ USD kim ngạch XK cho các DN Việt. Nhất là khi nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á, Nam Á, Trung Đông…đang gia tăng nhu cầu tiêu thụ lớn với gia vị trong tiêu dùng thực phẩm.
Điểm hạn chế lớn cho ngành hàng gia vị Việt hiện nay khi hàng năm XK chủ yếu vẫn đa phần là sản phẩm nhiều gia vị thô (như ớt, hạt tiêu, quế, hồi, đinh hương, thảo quả…) sang các thị trường lớn để gia công lại và mang thương hiệu của các công ty nước ngoài.
Để tận dụng cơ hội thúc đẩy XK gia vị ra thị trường toàn cầu, giới chuyên gia có lời khuyên đến các DN Việt là cần nghiên cứu rất kỹ thị trường, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm…
Bên cạnh đó, như quan điểm riêng của chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM, kinh nghiệm cho thấy những sản phẩm thành công ra được thị trường thế giới đòi hỏi trước tiên là các DN phải mạnh ở thị trường nội địa. Với ngành gia vị cũng vậy, ngay trên “sân nhà”, các DN cần làm sao khai thác, thuyết phục được người tiêu dùng, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ.
Nhất là với các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này, như chia sẻ của ông Dũng, ban đầu họ có thể sản xuất gia công. Gia công là bước đầu tiên để xây dựng năng lượng sản xuất. Khi đã chuẩn ở năng lực sản xuất thì có thể đưa ra các sản phẩm thương mại của riêng mình lên tới bàn ăn của người tiêu dùng trên “sân nhà”, rồi sau đó sẽ nhắm đến XK.
Thế Vinh