Sắn lát tăng, tinh bột giảm
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 2/2020 ước đạt 171 nghìn tấn, đem về 54 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ đạt 383 nghìn tấn tương ứng với 127 triệu USD, giảm 0,06% về khối lượng và giảm 0,16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu bình quân ước đạt 332 USD/tấn, giảm 10%.
Sắn lát nguyên liệu chỉ đáp ứng 50% tổng công suất chế biến (Ảnh: Internet) |
Xét về cơ cấu sản phẩm, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn lát ước đạt 130 nghìn tấn, kim ngạch 27 triệu USD, tăng 39,6% về lượng và 72,2% về giá trị so với cùng kỳ. Xuất khẩu tinh bột sắn ước đạt 253 nghìn tấn và 101 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và 25,6% về giá trị. Nguồn cung sắn lát thiếu hụt đã đẩy giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020 ở mức 208 USD/tấn, tăng 23,4% so với cách đây một năm. Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã xuống mức 398 USD/tấn, giảm 7,6%.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất nhóm mặt hàng sắn của Việt Nam, chiếm 93% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 2 tháng. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn vào Trung Quốc giảm 21,1% về lượng và 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch Covid-19 đã tác động đến cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong thời gian gần đây khi phía Trung Quốc quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sẽ tiếp tục trầm lắng do nhu cầu mua hàng từ phía Trung Quốc không tăng đáng kể và dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp.
Nhìn lại năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,5 triệu tấn, kim ngạch 973 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng và tăng 1,6% về giá trị so với năm 2018. Về cơ cấu sản phẩm, tinh bột sắn chiếm 85% và sắn lát chiếm có 15% tổng khối lượng xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sắn lát năm 2019 đạt 374 nghìn tấn, tương đương 78 triệu USD, giảm 47% về lượng và 48% về giá trị so với năm 2018. Xuất khẩu tinh bột sắn đạt 2,1 triệu tấn và 895 triệu USD, tăng 23% về lượng và 11% về giá trị. Trung Quốc chiếm tới 89,2% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắn Việt Nam. Theo sau là các thị trường Hàn Quốc (3,1%), Đài Loan (1,5%), Malaysia (1,2%), Philippines (1,2%).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra dự báo: năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp canh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào. Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu. Trong năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế VAT với tinh bột sắn nhập chính ngạch từ 13% xuống còn 10% khiến cho giá tinh bột sắn xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Ông Toản cũng nêu ra nhiều yếu tố đang có lợi cho xuất khẩu sắn: tồn kho sắn tại các doanh nghiệp của Trung Quốc thời điểm kết thúc năm 2019 gần như bằng không; nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (45%). Mặt khác, Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch mở rộng sử dụng cồn ethanol, đạt 10 triệu tấn đến năm 2020, khiến nhu cầu nhập khẩu sắn lát tăng cao.
Cần quản lý quy hoạch ngành
Từ năm 2012, khi kim ngạch xuất khẩu sắn vượt trên 1 tỷ USD, cây sắn được Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đưa vào nhóm 10 cây trồng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đồng thời, đưa ra chủ trương mở rộng diện tích trồng sắn và khuyến khích khối doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sắn xuất khẩu. Thế nhưng đến nay, ngành sắn đang ở thời kỳ mất cân đối trầm trọng.
Báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 120 nhà máy sản xuất tinh bột sắn với tổng công suất trên 15,5 triệu tấn. Trong khi đó, tổng diện tích trồng sắn cả nước là 500.000 - 530.000 ha, cho tổng sản lượng 8,8 triệu tấn củ tươi/năm. Như vậy, công suất chế biến đã vượt gần gấp đôi so với nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, xuất khẩu sắn trong 2 năm qua gặp nhiều khó khăn, khiến kim ngạch rơi khỏi mốc 1 tỷ USD.
Việc thiếu nguyên liệu trong khi xuất khẩu sắn lát tăng mà xuất khẩu tinh bột lại giảm, đã khiến nhiều doanh nghiệp và nhà máy chế biến sắn hết vốn để tiếp tục sản xuất. Đã khó đầu ra, nay lại khó cả đầu vào. Hiện đang vụ thu hoạch mới, nhưng dự báo sản lượng sắn nguyên liệu vụ 2019-2020 sẽ giảm 50% so với niên vụ trước do ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây sắn. Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm 2019, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn của cả nước là 31.304 ha.
Theo TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, dịch bệnh không chỉ khiến thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, mà còn khiến sản phẩm không đảm bảo chất lượng. “Nỗi lo lớn nhất của ngành sắn hiện nay là chất lượng và tiêu chuẩn thấp. Xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch khiến rủi ro thị trường lớn hơn. Sản phẩm sắn của Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc ép giá, kìm giá... Các nhà xuất khẩu thì không liên kết, không đồng nhất về giá, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận phá giá để xuất tiểu ngạch", ông Lạng nhận định.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Sắn kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các địa phương phối hợp để định hướng và quản lý quy hoạch ngành sắn, tránh phát triển nóng, chồng chéo dẫn tới cạnh tranh. Muốn giải quyết bệnh khảm lá trên cây sắn, trước hết phải chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ khâu giống.
Từ lâu nay, người dân có thói quen tự để giống sắn. Nhiều vườn sắn bị bệnh nhẹ, quan sát bằng mắt chưa thể phát hiện được bệnh cho nên người dân vẫn để giống. Đến khi hom sắn mọc mầm, biểu hiện bệnh nhưng nhiều người tiếc, không tiêu hủy, khiến bệnh lây lan, phát tán.
“Cần phải ổn định được vùng nguyên liệu sắn, sau đó là áp dụng các biện pháp kỹ thuật tốt, đặc biệt là về giống. Có những vùng sử dụng luân xen canh, bón phân hữu cơ... đã đưa năng suất lên tới 60 tấn/ha", Chủ tịch Hiệp hội Sắn chia sẻ.
Chu Khôi