Trước diễn biến của dịch Covid-19 bùng phát đợt 3 vào tháng 2, nhiều ý kiến lo ngại dịch bệnh vẫn là rủi ro lớn nhất cho khả năng hồi phục ngành bán lẻ trong năm nay.
Kỳ vọng từ những tên tuổi lớn
Theo đó, kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại chưa thể trở lại trạng thái như mức trước dịch trong năm 2021 do tâm lý người dân vẫn e sợ việc tiêu dùng bên ngoài.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ có những thay đổi tích cực từ sự thúc đẩy của các nhà bán lẻ nội. |
Tuy vậy, báo cáo tổng hợp kinh tế thị trường Việt Nam được Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện trong tháng 2/2021 vẫn cho rằng, ngành bán lẻ năm nay sẽ có những thay đổi được thúc đẩy bởi sự phát triển của các nhà bán lẻ trong nước.
Đơn cử như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MGW) là một doanh nghiệp (DN) bán lẻ hàng đầu của khối nội đang thống trị mảng bán lẻ điện máy với mạng lưới cửa hàng đã đến hơn 4.000 trên toàn quốc (tính đến tháng 1/2021).
Bên cạnh đó, chuỗi hệ thống cửa hàng Bách hoá xanh của DN này được ghi nhận đã tăng số lượng cửa hàng lên 4 lần chỉ trong 24 tháng và hiện đạt 1.719 điểm bán (tính đến tháng 1/2021).
Mặc cho tác động của dịch Covid-19, giới phân tích đánh giá hoạt động kinh doanh của MGW trong năm nay sẽ vẫn khả quan nhờ tối ưu hóa mô hình Bách hoá xanh sau khi đã đẩy mạnh mở rộng chuỗi cửa hàng trong năm vừa rồi. Ngoài ra, mảng bán lẻ điện máy cũng được hy vọng phục hồi hậu dịch bệnh.
Thế nhưng, nếu nhìn từ diễn biến bất thường của dịch Covid-19 như hiện nay, MGW vẫn được cho là sẽ đối mặt với không ít rủi ro về khả năng hồi phục sức mua. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng doanh thu có thể sẽ chậm đối với các cửa hàng khu vực tỉnh và khả năng tối ưu hóa chi phí ở mức thấp cho chuỗi Bách hoá xanh trong năm nay.
Ngoài MGW, hai cái tên khác trong ngành bán lẻ cũng được Q&Me đề cập tới với những đánh giá đầy xán lạn là VinGroup và Masan.
Cụ thể, VinGroup được ghi nhận đang là nhà cung cấp trung tâm thương mại “phủ sóng” trên toàn quốc. Tập đoàn này đang chiếm 40% thị phần trong phân khúc trung tâm thương mại với 80 trung tâm đang hoạt động ở 43 tỉnh, thành trong cả nước.
Còn CTCP Tập đoàn Masan thời gian qua đã hoàn thành việc tái cấu trúc hệ thống cửa hàng VinMart và VinMart + và hiện quản lý hơn 2.500 cửa hàng. Báo cáo kết quả kinh doanh hồi quý IV/2020 cho thấy, hệ thống bán lẻ VinCommerce (quản lý chuỗi VinMart và VinMart +) sau khi “về tay” Masan đã lần đầu có EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương, dù con số còn khá khiêm tốn.
Cuốn theo chiều hướng hiện đại
Đánh giá thêm về thị trường bán lẻ Việt trong năm nay, theo Q&Me, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế, nhưng sẽ có những thay đổi dần trước sức phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại và bán lẻ trực tuyến.
Điều đáng quan tâm là dù thị trường bán lẻ Việt có những khoản đầu tư lớn của các nhà bán lẻ nước ngoài, việc thúc đẩy những thay đổi theo chiều hướng hiện đại ở thị trường này vẫn cho thấy vai trò quan trọng của các nhà bán lẻ nội địa.
Đặc biệt, khối nội đang phát triển nhanh số lượng siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi với mục đích thay đổi hành vi mua hàng ở các tiệm tạp hóa của người tiêu dùng.
Mô hình bán lẻ hiện đại (MT) cũng sẽ dần phổ biến hơn. Hiện nay, mô hình bán lẻ hiện đại mới chỉ tập trung ở một số ngành hàng lớn như bách hóa, dược phẩm, điện thoại và điện tử tiêu dùng. Những ngành hàng khác vẫn chủ yếu tập trung dưới dạng các cửa hàng truyền thống nhỏ lẻ.
Nếu như giai đoạn trước đây, mô hình cửa hàng bách hóa truyền thống (GT) gần như chiếm lĩnh thị trường với tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây cũng như trong năm 2021 này, mô hình bán lẻ hiện đại dưới hình thức các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã, đang và sẽ tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, kênh GT giảm tốc với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm duy trì ở mức 5%/năm.
Năm nay, trước thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng do dịch bệnh nên chuyển sang các mặt hàng thiết yếu được cho là mang lại thuận lợi cho các nhà bán lẻ hàng tạp hóa.
Và xu hướng phát triển cửa hàng tạp hoá trong thời công nghệ cũng đang được các nhà bán lẻ nội địa hướng tới. Chẳng hạn như ứng dụng di động nhằm hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hoá tiếp cận nguồn hàng phong phú, giá cả phù hợp…
Điển hình là ứng dụng Vinshop (một ứng dụng công nghệ mới dành riêng cho các chủ tiệm tạp hóa, tiệm bán hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam) của VinGroup đặt mục tiêu đến năm 2022, số lượng đối tác là các tiệm tạp hoá gia nhập hệ thống sẽ đạt tới con số 300.000 và đến năm 2025 sẽ là 350.000 tiệm tạp hoá.
Có thể thấy những triển vọng về sự thay đổi tích cực ở thị trường bán lẻ Việt từ sự thúc đẩy của các tập đoàn bán lẻ trong nước là điều đáng khích lệ mặc cho tác động của dịch Covid-19.
Bên cạnh các thay đổi đó, giới chuyên gia nhận định năm nay, các công ty bán lẻ lớn trong nước sẽ nắm bắt thêm cơ hội để tăng trưởng thị phần. Và lẽ đương nhiên, khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì kênh trực tuyến sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong năm nay ở thị trường bán lẻ. Và khối nội cũng được trông chờ để tiếp tục có những thay đổi để “thăng hoa” ở mảng bán lẻ trực tuyến này.
Thế Vinh