Tập đoàn Phúc Sinh được mệnh danh là "vua hồ tiêu", chiếm thị phần xuất khẩu lớn trên thế giới. Ông Phạm Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn hồ hởi cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều "đối thủ" bị lao đao, phá sản bởi dịch bệnh thì nhờ thương hiệu, uy tín đã xây dựng trước đó với các bạn bè quốc tế, đơn hàng lại càng dồn về Phúc Sinh nhiều hơn.
Nhiều tín hiệu tích cực
"Trong dịch COVID-19, điều tôi nghe hàng ngày là doanh nghiệp mất đơn hàng, người lao động mất việc, giảm lương, bị sa thải. Nhiều khách hàng của công ty cũng không thể đến được văn phòng do dịch bệnh và nhiều nhà máy tại Ấn Độ, Jordan... gần như đóng cửa thì chúng tôi vẫn còn được phép sản xuất, bán được hàng, còn nhiều việc để làm hơn do nhu cầu đơn hàng xuất khẩu nhiều", ông Thông chia sẻ.
![]() |
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang có mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch COVID-19. |
Tập đoàn Phúc Sinh cũng đang nỗ lực để phát triển các dòng sản phẩm có thương hiệu trong nước, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, bởi đây vẫn là khoảng trống của sản phẩm Việt. Dự kiến doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp này đạt 250 triệu USD.
Tương tự, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Lâm Việt cho hay, người ta thường nói nhu cầu trước tiên là ăn, mặc, sau đó mới đến mua sắm, tuy vậy thật bất ngờ trong dịch COVID-19, nhu cầu sản phẩm đồ gỗ lại tăng đột biến. Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu đồ gỗ của Lâm Việt tăng trưởng mạnh, chiếm tới 35% thị phần xuất khẩu của công ty.
"Dịch COVID-19 khiến nhiều người phải làm việc ở nhà. Ở nhà là lúc để người ta xem xét lại các đồ dùng, thiết bị trong nhà. Người Việt có thể dùng một cái tủ bếp hàng chục năm, nhưng người Mỹ thì khác, khi cảm thấy không còn phù hợp sẽ sẵn sàng thay thế sang tủ khác, đi kèm các vật dụng trong bếp như bàn ăn hay đồ trang trí nội thất trong nhà", ông Liêm chia sẻ.
Đặc biệt, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam ngày càng có tiếng trên thế giới. Giới thiệu sản phẩm đồ gỗ có xuất xứ Việt Nam thì người dùng nước ngoài tin dùng, dù giá có thể cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc.
Dẫn chứng này cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 tăng 18%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 46,3%, khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.
Thay đổi tư duy để khẳng định vị thế
Tuy vậy, theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn FDI, trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 92,8%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 66,4%, giày dép 75,9%, hàng dệt may 56,6%. Điều này có nghĩa doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực hơn để giành lại thị phần từ phía các doanh nghiệp FDI, chí ít là cân bằng tỷ trọng với khối ngoại.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu nhưng sau đó đã tăng lên 70% và duy trì tỷ lệ này 5-6 năm nay. Đây là thực tế đáng buồn, rõ ràng thành tích xuất khẩu của Việt Nam đạt được nhưng doanh nghiệp FDI mới là người tận dụng tốt hơn.
Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhà sản xuất trong nước, nông dân chịu nhiều sức ép mở cửa thị trường cho hàng hóa bên ngoài vào cạnh tranh. Trong khi đó, lợi ích của xuất khẩu lại dành cho người bên ngoài. Khi doanh nghiệp FDI nhập quá nhiều sản phẩm trung gian từ quốc gia của họ để làm hàng xuất khẩu tại Việt Nam, nghĩa là họ được hưởng nhiều cơ hội hơn doanh nghiệp nội.
"Cái hụt hẫng, đau nhất là ở chỗ đó. Và có lẽ sự hụt hơi của nền kinh tế Việt Nam ở chỗ là không nâng cao được nội lực của mình", bà Lan chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Lan vẫn bày tỏ niềm tin, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nỗ lực để vươn lên. "Hiện, chúng ta đã hiểu rằng nội lực mới là giá trị cần phải thúc đẩy nhất. Nếu không làm cho mình khoẻ lên, chỉ dựa vào người khác thì mình không bao giờ lớn", bà Lan nói.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ thích làm gia công hơn là làm hàng giá trị gia tăng, nghịch lý này được ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đưa ra. Nhiều doanh nghiệp còn giữ tư duy làm những thứ đơn giản cho dễ, chấp nhận giá trị thu về thấp hơn. Phải thay đổi tư duy này nếu muốn định vị hàng Việt trên thị trường thế giới.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Lâm Việt Nguyễn Liêm cho rằng, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của mình: "Tại sao chúng ta không nâng cao giá trị hàng hóa của mình? Đơn cử như giày Adidas rõ ràng được gia công sản xuất ở Việt Nam nhưng thương hiệu là của doanh nghiệp nước ngoài. Muốn làm thương hiệu cá nhân thì cần nỗ lực của cả doanh nghiệp và Chính phủ. Trong đó, doanh nghiệp cần quá trình lâu dài, kiên trì bền bỉ".
Riêng đối với ngành gỗ, ông Liêm kiến nghị Chính phủ có các giải pháp ngăn chặn tình trạng gian lận, chuyển đổi xuất xứ. Chính phủ và các bộ ngành cần có động thái dứt khoát chống lẩn tránh thuế, tránh sản phẩm gỗ Việt Nam bị "vạ lây".
Nhật Linh