Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính chung trong tháng 1/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018, ước tính đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2%.
Những thương vụ đình đám
Tính đến ngày 20/1/2019, có 226 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 805 triệu USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2018, có 72 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 340,2 triệu USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong tháng 1 có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 761,8 triệu USD, tăng tới 114% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn lại năm 2018, hoạt động M&A cũng rất sôi động. Trong đó, đáng chú ý là vào quý I, Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết, công ty TNHH Nawaplastic Industries – công ty con của SCG, đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp (DN) nhựa lớn này.
Cuối tháng 6/2018, Tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản cũng công bố đã chính thức mua lại CTCP Giấy Sài Gòn (Saigon Paper) nhằm khai thác nhu cầu ngày càng gia tăng về giấy bìa cứng và khăn giấy ở khu vực Đông Nam Á. Thương vụ trị giá 91,2 triệu USD.
Cũng trong năm 2018, Tập đoàn Thép Kyoei – một trong 10 công ty thép lớn nhất Nhật Bản, hoàn tất mua lại cổ phần chi phối tại công ty Thép Việt Ý. Thương vụ có giá trị khoảng 51 triệu USD.
Hay hãng thời trang Uniqlo của Nhật Bản công bố đã mua 35% cổ phần tại chuỗi cửa hàng thời trang nữ Elise tại Việt Nam. Elise hiện có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc.
Trước đó, năm 2017, Tập đoàn Stripe International đến từ Nhật Bản cũng quyết định mua lại hãng thời trang NEM để mở rộng các hoạt động kinh doanh dài hạn ở Việt Nam nói riêng và khối ASEAN nói chung…
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến thể hiện sự thận trọng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thay vì đầu tư các dự án mới phải thực hiện thủ tục đăng ký và thiếu chắc chắn, nhà đầu tư nước ngoài chọn mua cổ phần của DN có thương hiệu vững vàng trên thị trường.
Ông Đặng Xuân Hợp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài viên quốc tế Việt Nam, đánh giá thị trường M&A đang có nhiều tiềm năng bởi nền kinh tế cả khối nhà nước và tư nhân còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Trong khi đó, để phát triển, các DN đều cần thêm nguồn lực.
Đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào những cơ sở, công ty hiện có tại Việt Nam, DN nhà nước hoặc tư nhân để giúp họ phát triển mạnh hơn nữa. Do vậy, năm 2019, thị trường M&A sẽ rất sôi động.
Có trường hợp nhà đầu tư mua cổ phần của DN trong nước nhưng chỉ mua một phần. DN Việt Nam muốn hợp tác cùng với đối tác mạnh bên ngoài để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô của DN.
Hãng thời trang Uniqlo của Nhật đã mua 35% cổ phần tại chuỗi cửa hàng thời trang nữ Elise |
Khối ngoại chi phối?
Đánh giá về hoạt động M&A, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng các hệ thống phân phối, các DN lớn của Việt Nam luôn trở thành đích ngắm thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài.
"Thẳng thắn mà nói mình có hấp dẫn, có đáng mua thì người ta mới muốn mua. Bán hay mua trong thời gian này hết sức bình thường. Hội nhập, ai thấy mình tốt sẽ mua, bán được giá thì DN sẽ bán", bà Hạnh chia sẻ.
Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung…, nhiều nhà đầu tư và DN Trung Quốc đã và đang có ý định đầu tư tại thị trường Việt Nam, việc lựa chọn các DN Việt là con đường ngắn nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, việc một loạt nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp trở thành "ông chủ" mới của nhiều DN có thương hiệu lẫn thâm niên tại Việt Nam cũng là điều đáng suy ngẫm. Hiện nay, một số DN Việt đã thực hiện các thương vụ mua lại cổ phần của DN trong nước, nhưng số này vẫn "đếm trên đầu ngón tay".
Bởi vậy, bà Hạnh từng đặt vấn đề: Tại sao các DN tư nhân Việt Nam không thể tham gia mua lại nhằm giữ những DN tốt nhất để phát triển kinh tế đất nước?
Theo bà Hạnh, nếu phân bố nguồn lực của xã hội cho các DN một cách tích cực, công bằng hơn, chúng ta sẽ nhìn thấy cục diện mua bán hợp lý hơn hiện nay. Cũng như chính sách cần phải chú ý bảo vệ DN đầu ngành, giảm những bất lợi cho DN để họ cạnh tranh. Đồng thời có hỗ trợ thiết thực cho DN tiếp cận với các nguồn lực.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, để nâng cao sức cạnh tranh của DN, Ts. Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế (Học viện Ngoại giao), cho rằng việc Chính phủ nỗ lực giảm chi phí cho các nhà xuất khẩu cũng như các DN sản xuất bằng cách cắt giảm tối đa các thủ tục và giấy phép, đồng thời tích cực hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới là giải pháp cần thiết.
Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN bằng cách chú trọng vào đối tượng là các DN tư nhân, coi đó là lực lượng nòng cốt.
Trong đó, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đó là những giải pháp giúp DN củng cố sức mạnh nội lực, từ đó nắm thế chủ động trong M&A. Hy vọng tương lai không xa, DN không chỉ ngồi đợi khối ngoại đến mua mà bản thân các DN Việt có thể đi thâu tóm các DN nước ngoài.
Lê Thúy
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Đại học Fulbright Việt Nam Để có nhiều tập đoàn lớn mạnh mang thương hiệu Việt Nam thay vì phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài, trước hết doanh nhân nên có niềm tin vào triển vọng nền kinh tế, làm ăn bài bản, chân chính để khẳng định năng lực nội tại bản thân, giành chiến thắng nhờ vào tài năng của mình chứ không phải chiến thắng nhờ vào quan hệ thân hữu, đặc quyền đặc lợi, lỗ hổng luật pháp. Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW Có thể thấy nhiều lý do khiến khối ngoại nắm thế thượng phong trong M&A, nhưng quan trọng nhất là việc chống thôn tính, có nghĩa là trong môi trường cạnh tranh, các DN thôn tính lẫn nhau, "ông nào" không chống nổi sẽ bị mua lại. Ngay cả khi một số DN không muốn bán song cũng buộc phải bán hoặc bị thôn tính. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, bắt đầu hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước, tạo tiền đề để liên doanh, liên kết có hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình cổ phần hóa DN nhà nước đang được đẩy mạnh, qua đó tạo thêm không gian kinh tế mới, mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư kinh doanh, đặc biệt là sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động M&A xuyên biên giới của nhà đầu tư nước ngoài. |