Theo dự báo mới đây của Ngân hàng UOB, hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam trong năm 2019 sẽ được thúc đẩy bởi việc tiếp nối mở rộng của các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia trong phân khúc các ngành có nhu cầu cao về nhân lực, xuất khẩu, sản xuất và chế biến.
Khoảng cách còn xa
UOB cho biết năm vừa qua, lĩnh vực sản xuất và chế biến ở Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài, đạt 16,6 tỷ USD, tương đương 47% vốn đăng ký ban đầu.
Sản xuất và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là những yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển. Sự tăng trưởng đột ngột của nguồn vốn FDI – tương đương 19,1 tỷ USD trong năm 2018 – đã góp phần giữ cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Có thể thấy, ngành công nghệ sản xuất chế biến, chế tạo luôn là ngành đi tiên phong trong việc thu hút dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, để nâng hiệu quả dòng vốn này trong tăng trưởng kinh tế thì cần lấp đầy "khoảng trống" lâu nay trong việc tham gia của DN nội vào chuỗi sản xuất công nghiệp chế biến của khối ngoại.
Đơn cử như lĩnh vực sản xuất phụ tùng linh kiện trong công nghiệp hỗ trợ, dù cả nước có khoảng 1.800 DN nội hoạt động ở mảng này nhưng chỉ có khoảng hơn 300 DN tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Chuyên gia cấp cao Idei Ippei của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết qua thu thập ý kiến của các DN Nhật về khả năng cung ứng của DN Việt đối với công nghiệp hỗ trợ, ý kiến chiếm tỷ lệ cao nhất là thời hạn giao hàng cũng như chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo.
Theo ông Idei, trong ý kiến của các DN Nhật, cách làm việc để nâng cao hiệu suất giữa DN Việt với họ vẫn còn khoảng cách tương đối khá xa. Điển hình như việc các DN Nhật rất coi trọng từng chi tiết, trong khi nhân sự của DN Việt lại không tuân theo hướng dẫn chi tiết của họ.
"Trong tương lai rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa DN Nhật với DN Việt để nắm bắt thông tin của nhau nhằm có thể nâng cao chất lượng nhân sự của DN Việt cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm Việt vào chuỗi cung ứng sản xuất để việc kết nối thật sự thuận lợi hơn", ông Idei bày tỏ.
Ở góc nhìn của một DN Việt khi tham gia chuỗi sản xuất của khối ngoại, ông Đỗ Hoàng Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Kỹ thuật Ý Tưởng, cho biết đa số các DN FDI vẫn còn nhập khẩu linh phụ kiện.
Để khắc phục vấn đề này tự các DN Việt phải có sự liên kết mạnh lên, ngoài ra cũng cần các chính sách vĩ mô để làm sao hỗ trợ cho các DN công nghiệp hỗ trợ, tự động hóa có thể phát triển được.
"Đặc biệt là cần khuyến khích các DN FDI mua hàng của DN Việt. Chính sách cần làm sao để đưa trực tiếp những sản phẩm của DN Việt vào chuỗi cung ứng thì mới có cơ hội phát triển ở lĩnh vực này", ông Trung nói.
DN Việt cần tự lực để bước vào chuỗi sản xuất của khối ngoại |
Không phải bài toán dễ
Cũng theo vị chủ DN này, dù cơ hội mở ra rất nhiều theo xu hướng nhưng vấn đề khó khăn của các DN nội là ở khâu kỹ thuật và cần nguồn vốn để làm cho bài bản, nhất là cần nguồn lực tài chính để xây dựng nhà máy, thiết bị, đội ngũ hậu mãi để đẩy sản phẩm ra thị trường. Hơn nữa, nguồn nhân lực cũng là bài toán khá đau đầu với DN.
Đáng chú ý, trở ngại lớn nhất trong việc nâng cấp công nghệ để DN nội tham gia chuỗi sản xuất của khối ngoại không phải là số tiền đầu tư ban đầu mà là lợi nhuận của dự án.
Chẳng hạn, với tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng trong ngành điện tử của thế giới, vòng đời trung bình của một công nghệ mới là khoảng 10 năm, vì vậy lợi nhuận thu được từ việc đầu tư vào công nghệ mới cần đủ để trang trải các khấu hao đầu tư ban đầu.
Trong khi đó, theo ông Hisatsugu Furukawa, Tư vấn trưởng dự án khảo sát các DN phụ trợ Việt Nam của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các DN phụ trợ của Việt Nam đầu tư nhiều máy móc trang thiết bị nhưng lại gặp khó khăn trong việc không biết làm thế nào để tận dụng việc đầu tư những máy móc này một cách hiệu quả.
Thực tế cho thấy, do thiếu những nhà cung cấp nội địa có thể đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nên các DN FDI sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Chính vì việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.
Theo giới chuyên gia quốc tế, khi Việt Nam đang đề cao Cách mạng công nghiệp 4.0, trong năm 2019, các DN Việt cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới công nghệ (cả về máy móc và quy trình sản xuất) để đáp ứng được tiêu chuẩn của các DN đa quốc gia, phải xem đó là một trong những điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, việc tự thực hiện đổi mới công nghệ dường như không phải là một bài toán dễ dàng đối với đa số các DN trong nước, cho dù cánh cửa cơ hội cho việc tham gia các chuỗi cung ứng vẫn rộng mở và DN có thể tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức phát triển DN khác.
Thế Vinh