Khi được hỏi về khả năng nâng cấp công nghệ để nâng chuẩn quy trình sản xuất trong năm 2021 này, ông Mai, chủ một doanh nghiệp (DN) thuộc dạng vừa và nhỏ, chuyên sản xuất các loại máy móc xử lý chất thải trong ngành chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai, đã bày tỏ sự phân vân.
Vẫn là “bài toán” khó
Theo ông Mai thì phía công ty từng có dự định đầu tư một số loại máy móc mới nhưng không biết sẽ dùng đến công nghệ nào, nhân lực còn nhiều hạn chế, lo ngại tốn kém nhiều kinh phí trong khi khả năng nguồn vốn có hạn, lại ngại thủ tục vay vốn quá khắt khe từ ngân hàng... nên rốt cuộc vẫn dừng lại ở dự định.
![]() |
Khi thị trường toàn cầu tiếp tục quá trình phục hồi thì đây là thời điểm thích hợp để các nhà sản xuất trong nước nâng cấp công nghệ. |
Trường hợp như vị chủ DN này là rất nhiều. Chính vì vậy, dù là địa phương phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp, thế nhưng trong cuộc khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2016 - 2020 đối với các DN trên địa bàn tỉnh (những DN có 100 lao động trở lên) thì thấy rằng, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị là âm 56,05%.
Không chỉ ở Đồng Nai, việc nâng cấp công nghệ vẫn là “bài toán” khó đối với các nhà sản xuất nội địa thuộc dạng vừa và nhỏ ở nhiều địa phương khác. Nhiều ý kiến cho rằng việc nâng cấp công nghệ vẫn là chuyện của các nhà sản xuất lớn, còn các nhà sản xuất vừa và nhỏ thì vẫn tỏ ra khá thụ động với những thay đổi của thị trường khi mà họ vừa thiếu vốn vừa thiếu cả tư duy.
Trong khi đó, ở hội thảo trực tuyến “Hướng tới Sản xuất 4.0” do Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) thuộc Đại học RMIT và Thương vụ Đại sứ quán Áo tổ chức mới đây, giới chuyên gia quốc tế và trong nước đã có khuyến nghị là các nhà sản xuất của Việt Nam nên hướng đến việc nâng cấp công nghệ.
Các chuyên gia về sản xuất thông minh, công nghệ robot đến từ các DN hàng đầu của Áo cũng đã “chào hàng” những công nghệ tiên tiến và thảo luận về cách ứng dụng những công nghệ này vào các ngành sản xuất ở Việt Nam.
Ông Thomas Konrad, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng FerRobotics (Áo), cho biết: “Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường tiềm năng hàng đầu một phần là vì triển vọng phát triển quan hệ song phương giữa Việt Nam và Áo nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)”.
“Nhưng hơn thế nữa, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sôi động tại nước này cùng vị thế là một trung tâm sản xuất của cả khu vực cho thấy Việt Nam đang chuyển đổi căn bản sang sản xuất 4.0, điều mà chúng tôi mong muốn được tham gia phần vào”, ông nói.
Còn theo Phó giáo sư Jerry Watkins, người chịu trách nhiệm quản lý Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số tại RMIT, đây là thời điểm hết sức thích hợp giúp các nhà sản xuất Việt Nam lên kế hoạch đầu tư công nghệ trong thời gian tới khi thị trường toàn cầu tiếp tục quá trình phục hồi.
Cần “lấp đầy những khoảng trống”
Theo ông Jerry, một trong những cơ hội lớn nhất mà Việt Nam nên nắm bắt là nâng cao năng lực của ngành sản xuất bằng cách sử dụng các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.
“Chúng ta chứng kiến VinFast đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực robot và tự động hóa - tín hiệu rõ ràng về cơ hội hiển hiện cho những nhà sản xuất trong nước sẵn lòng đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo”, vị phó giáo sư chia sẻ.
Với góc nhìn của một chuyên gia trong nước, ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), nhận xét rằng các DN sản xuất trong nước hết sức mong mỏi được đảm nhận nhiều vai trò mang lại giá trị gia tăng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Thế nhưng, nhiều đơn vị vẫn chưa sẵn sàng do thiếu năng lực quản lý chuyển đổi, năng lực kỹ thuật số hay năng lực công nghệ”, ông Dương nói.
Đúng như lưu ý của ông Dương, quan trọng là DN cần xác định xem hiện tại họ đang thiếu năng lực gì, và tìm nhân lực cũng như công cụ phù hợp để “lấp đầy những khoảng trống đó”.
Giới chuyên gia nhấn mạnh là nếu các nhà sản xuất của Việt Nam muốn gia tăng mức độ công nghệ trong các sản phẩm xuất khẩu thì khả năng nâng cấp công nghệ là điều hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, ngoài động lực từ xuất khẩu thì quy mô nhỏ của thị trường Việt Nam khiến cho các nhà sản xuất trong nước chủ yếu vẫn dựa trên các quy trình sản xuất thâm dụng lao động chứ không phải là thâm dụng vốn, nâng cấp các công nghệ mới trên thế giới.
Không những vậy, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) thường coi việc nâng cấp công nghệ mới đóng một nhân tố quan trọng, thì ở Việt Nam việc chuyển giao công nghệ mới thông qua các DN FDI cho các nhà sản xuất trong nước lại khá mờ nhạt.
Trong chuyện này, về khả năng Việt Nam thoát khỏi cái mác là một quốc gia chuyên gia công, Ts. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị tại RMIT, cho rằng FDI là cam kết rất dài hạn. Với việc các nhà máy tự động hóa ngày càng trở nên hấp dẫn thì chi phí lao động không còn là yếu tố đáng kể.
“Đó là lý do tại sao tạo dựng vai trò giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan trọng với Việt Nam. Giảm thiểu việc nhấn mạnh vào yếu tố nhân công giá rẻ, Việt Nam đang giữ đúng quân bài cần có để tăng trưởng kinh tế về lâu dài”, Ts. Burkhard khẳng định.
Thế Vinh