Thông tin chính thức từ Bộ Công Thương cho biết, đợt kiểm tra lần này tại kho nhôm khổng lồ của công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là nhằm mục đích kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về xuất xứ hàng hóa trên cơ sở các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa.
Phù phép tránh thuế
Về nguồn gốc kho nhôm này, từ cuối năm 2016, trên tờ thời báo The Wall Street Journal của Mỹ đã có bài điều tra với nghi vấn về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) của một công ty Trung Quốc chuyển từ Mexico đến Việt Nam.
Thậm chí bài báo đó còn chỉ ra chiêu thức thường dùng của các công ty nhôm Trung Quốc là xuất nhôm sang các nước thứ ba như Mexico hay Việt Nam rồi lợi dụng các công ty ở nước sở tại để tái xuất hàng sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế. Nguyên do là nhôm Trung Quốc khi xuất vào Mỹ sẽ bị áp mức thuế 374%, trong khi nhôm có xuất xứ từ Việt Nam chỉ chịu mức thuế thấp 5%.
Trở lại đợt kiểm tra tại kho nhôm khổng lồ ở Bà Rịa – Vũng Tàu của ba bộ (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính), phía Bộ Công Thương cho biết đây là hoạt động chuyên môn bình thường trong công tác quản lý xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước được diễn ra một cách bình đẳng, minh bạch, phù hợp với những cam kết quốc tế và đáp ứng lợi ích của Việt Nam.
Song qua vụ việc này, tuy chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, dư luận vẫn tỏ ra quan ngại Việt Nam dễ đứng trước tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của nước khác nhằm lẩn tránh thuế.
Lo ngại nhất là việc một số công ty Trung Quốc dùng chiêu thức trá hình như nhờ người Việt đứng tên hoặc công khai đăng ký tại Việt Nam để nhập hàng hóa vào Việt Nam “gia công, sản xuất” nhưng thực chất chỉ thay đổi chút ít về nhãn mác, ghi thêm “Made in Việt Nam” rồi lấy C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) Việt Nam để xuất khẩu – tái xuất nhằm hưởng thuế thấp ưu đãi cho Việt Nam tại nước nhập khẩu.
Hậu quả của tình trạng này có thể dẫn đến việc DN trong nước sẽ “lĩnh” đủ nếu như DN Việt không làm rõ được nguồn gốc xuất xứ nhôm xuất khẩu vào Mỹ. Chuyện này đã từng xảy đến với ngành thép hồi tháng 10/2016 khi một số DN sản xuất thép Mỹ đệ đơn kiện chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm thép mạ nhập từ Việt Nam.
Nguyên do là tháng 6/2015, sau khi tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cùng chủng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc và một số quốc gia, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc về mức thuế chống bán phá giá là 199,4% và mức thuế chống trợ cấp là 241,4%.
![]() |
Nhôm Trung Quốc khi xuất vào Mỹ sẽ bị áp mức thuế 374%, trong khi nhôm có xuất xứ từ Việt Nam chỉ bị mức thuế thấp 5%
Cần bịt kẽ hở
Sau khi Mỹ ban hành lệnh áp thuế, lượng xuất khẩu sản phẩm này của Trung Quốc sang Mỹ giảm rõ rệt nhưng lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Do nghi ngại thép Trung Quốc tuồn sang Việt Nam để xuất sang Mỹ nên đã dẫn tới chuyện DN Mỹ đệ đơn kiện DN Việt.
Nói vấn đề này, Ts. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA, nhận định, do biện pháp thúc đẩy xuất khẩu từ Trung Quốc nên có dấu hiệu của gian lận thương mại.
Theo ông Sưa, tình trạng gian lận nhập khẩu này chỉ phía hải quan mới nắm được như thế nào. Nhưng rõ ràng đây là hiện tượng lách thuế, lách luật, tìm ra những kẽ hở của pháp luật để lách. Vì vậy, với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, phía VSA vừa qua đã kiến nghị Bộ Công Thương mở rộng phạm vi đối tượng áp thuế tự vệ nhằm chống việc lách thuế tự vệ.
Trong vụ việc kho nhôm của công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, phát biểu với giới báo chí, ông Sưa cũng đặt nghi vấn khả năng DN Trung Quốc đặt kho hàng ở Việt Nam là để lách thuế và núp bóng hình thức “tạm nhập tái xuất” nhằm hưởng chênh lệch thuế từ nước sở tại. Đây được xem như một dạng gian lận thương mại. Chiêu bài chuyển địa điểm để tìm C/O mới đã được nhiều nước phát hiện và họ đã có biện pháp phòng trừ.
Còn trong tháng 3/2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu. Trong đó có nhấn mạnh đến yếu tố xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế (nếu có) phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác so với khai báo…
Theo giới chuyên gia, chiêu thức gian lận xuất xứ hàng hóa thường thấy nhất là một số DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng ở công đoạn chưa đủ để đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ song vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam (ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O).
Tuy nhiên, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia như hiện nay, quy tắc xuất xứ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), từng lưu ý với các DN Việt rằng cách duy nhất để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng từ FTA là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho FTA đó.
Đồng thời, ngoài việc các DN Việt đáp ứng quy tắc xuất xứ để tận dụng các FTA, các cơ quan quản lý cũng cần chủ động bịt kín các kẽ hở nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để không ảnh hưởng xấu đến những DN sản xuất chân chính.
Thế Vinh