Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, thị trường EU tiếp tục siết kiểm tra an toàn thực phẩm khẩn cấp đối với các sản phẩm thanh long, nhóm rau gia vị của Việt Nam.
Thấp thỏm lo âu
Trong đó, EU tiếp tục duy trì quy định với trái thanh long với lý do mặt hàng này vẫn còn nguy cơ cao an toàn thực phẩm và tần suất các lô hàng bị cảnh báo chưa có nhiều tiến bộ. Các nhóm rau gia vị vẫn bị duy trì tần suất kiểm tra tại biên giới EU là 50%.
EU vẫn tiếp tục siết chặt quy định kiểm tra an toàn thực phẩm với thanh long Việt Nam. |
Thực tế, việc một số sản phẩm nông sản nằm trong diện kiểm soát khẩn cấp không gây bất ngờ, vì lâu nay thị trường EU vẫn được đánh giá là rất khó tính. Trong khi đó, chất lượng nông sản của Việt Nam không đồng đều sẽ gây khó khăn không ít.
Từ khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Lê Văn Long, Cán bộ quản lý dự án của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, cho hay tồn dư hóa chất, hàm lượng kim loại trong sản phẩm quế vượt tiêu chuẩn xuất khẩu đang là một trong những thách thức đối với quế Việt Nam.
Ông Long chia sẻ: “Tồn dư hóa chất, hàm lượng kim loại nặng trong sản phẩm quế vượt tiêu chuẩn xuất khẩu của EU và Mỹ đó là chì, thủy ngân. Bên cạnh đó, có một tình trạng cũng đang xảy ra nhiều với quế đó là 02 hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật gồm hoạt chất glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và hoạt chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu). Mặc dù 2 hoạt chất này đã bị cấm sử dụng, buôn bán tại Việt Nam, tuy nhiên, vẫn xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm quế. Với hoạt chất Chlorpyrifos, thị trường EU và Mỹ cho phép hàm lượng này 0,01 PPM.
Để cải thiện một số hàm lượng kim loại vượt chỉ tiêu chuẩn và xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU, đại diện Công ty Sơn Hà kiến nghị, các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ, các chuyên gia điều tra, đánh giá, lấy mẫu... Đưa ra các chính sách phù hợp mang tính chiến lược và toàn diện cho chuỗi quế. Cải thiện tồn dư hóa chất trong quế, các hóa chất trong danh mục cấm như tuyên truyền các vùng sản xuất quế sản xuất theo hướng hữu cơ, UEBT/RA. Đồng thời kiểm tra, kiểm soát việc mua bán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Về phía doanh nghiệp, hiện Sơn Hà cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương, một số chuyên gia đầu ngành nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân vì sao xuất hiện các hoạt chất này trong quế, từ đó, đưa ra các phương án để có thể giảm thiểu các hoạt chất này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho nông dân, cho hệ thống đại lý thu mua, kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhằm tuyên truyền kiểm tra đánh giá vùng nguyên liệu, đảm bảo sự tuân thủ các nguyên tắc sản xuất trong toàn chuỗi.
Thay đổi tư duy sản xuất
Không chỉ EU, nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đặt ra yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam (Hà Nội), cho biết nếu những năm trước, thị trường Nhật Bản chỉ kiểm tra xác suất một số lô hàng, năm nay họ thông báo sẽ kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở 100% lô hàng vải thiều của Việt Nam. Điều này dẫn tới thời gian hàng hóa phải lưu kho chờ kết quả kiểm dịch tại sân bay hay cảng biển bên phía Nhật Bản dài hơn, đội thêm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều qua Nhật.
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, trái vải thiều Việt Nam được đánh giá là sản phẩm mới ở thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, vải thiều Việt được người Nhật khá ưa chuộng, kỳ vọng sẽ xuất khẩu đạt khoảng 350 tấn mỗi năm. Song một trong những khó khăn mà trái vải thiều Việt Nam phải đối mặt là cần duy trì đảm bảo chất lượng ở tất cả lô hàng.
"Năm nay, cơ quan chức năng phía Nhật cho biết sẽ tăng cường kiểm soát vải thiều nhập khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặc biệt lưu ý, tránh tình trạng lô hàng không đạt yêu cầu bị trả về, ảnh hưởng tới cả ngành, doanh nghiệp làm ăn chân chính", ông Minh lưu ý.
Trong khi đó, bà Sibylle Bachmann, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam bổ sung thêm để tiếp tục tham gia vào các thị trường cao cấp như EU thì tiêu chuẩn không chỉ là bền vững mà còn là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển cây quế hay các cây gia vị của Việt Nam.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ các yêu cầu của thị trường. Đây vẫn là điểm yếu của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu thị trường để đưa ra những quyết định về xuất khẩu phù hợp nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu được vào những thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Đức... và các nước phát triển. Điều này chứng tỏ, sản phẩm nông sản của Việt Nam đạt tiêu chuẩn mà các thị trường đưa ra. Việt Nam hiện cũng bán ra thị trường những cái mà khách hàng cần, chứ không phải bán ra những cái mà mình có.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ NN&PTNT để làm thật tốt việc thông tin thị trường và thông qua thông tin thị trường sẽ định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi... tại các địa phương.
Với địa phương, ông Diên khuyến cáo tổ chức lại vùng trồng, vùng nuôi, ngành hàng. Các địa phương cần sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; tổ chức hệ thống phân phối trong, ngoài nước theo hướng hiện đại và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Lê Thúy