Báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đang gây ra nhiều dư luận trái chiều, đặc biệt là ở phần lợi nhuận. Theo đó, năm ngoái nhà xuất bản này đạt lợi nhuận sau thuế đến 287,4 tỷ đồng, tức là bằng 2,5 lần kế hoạch và mức lãi kỷ lục từ trước đến nay.
Ai cười, ai khóc?
Hiệu quả sinh lời năm 2021 của NXB Giáo dục được cho là ở mức rất cao với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 39,9% và trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 17,9%.
Nhiều ý kiến đặt dấu hỏi có cần phải lãi đậm như thế không? Lợi nhuận của NXB Giáo dục càng cao thì các phụ huynh học sinh càng vất vả. Nhất là khi mỗi năm sách giáo khoa lại cải cách một lần theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới buộc các phụ huynh phải mua mới với mức giá cao 2 - 3 lần sách cũ.
Nghịch lý về mặt lợi nhuận khủng của DN đối nghịch lại sự “còng lưng” chịu thiệt của nông dân là điều mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần để tâm. |
Trao đổi với VnBusiness, một phụ huynh có tên là Nguyễn Tân Tiến, trú quận 6 (Tp.HCM), cho rằng việc NXB giáo dục lãi gần gấp đôi thì đồng nghĩa với số tiền phụ huynh phải chi cho việc học của con cái cũng tăng như vậy. Ai cười, ai khóc đây? NXB cứ lãi cao thế này lại là nỗi lo cho nhiều gia đình.
Theo anh Tiến, những ngành không cần lãi cao thì lại lãi đậm liên tục như trường hợp NXB Giáo dục. Trong chuyện giá sách giáo khoa tăng cao như hiện nay, họ giải thích là do chi phí tăng cao nên giá sách tăng, trong khi lợi nhuận trên vốn sở hữu gần 40%. Thử hỏi hiện tại có ngành nghề nào có lợi nhuận như nghề in sách giáo dục độc quyền của NXB này hay không? Nếu nhà nước không can thiệp thì chuyện giá sách giáo khoa sẽ còn dài dài.
“Con tôi học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã 2 năm, thật sự là bộ sách giáo khoa quá lãng phí, bòn rút tiền phụ huynh khi mà nhiều cuốn sách cả năm không thấy thầy cô nhắc tới, học hết năm mà sách vẫn mới cứng, chưa hề mở ra để học là quá lãng phí”, anh Tiến nói.
Không chỉ với mảng xuất bản giáo dục, hoạt động kinh doanh giáo dục của nhiều doanh nghiệp với khoản lãi khủng cũng là điều rất đáng lưu tâm. Như trường hợp CTCP Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (NHG) – công ty hạt nhân trong hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng Group – liên tục báo lãi đậm hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2019. Chưa kể, theo thông tin trên một ấn phẩm quốc tế thì doanh nghiệp này sẽ cân nhắc bán cổ phần trị giá 1 tỷ USD, dù phía Nguyễn Hoàng Group chưa công bố hay xác nhận thông tin.
Nông dân là người khổ nhất
Giới chuyên gia cho rằng một khi đã xem giáo dục là hoạt động kinh doanh và hoạt động theo định hướng thị trường, nên bản thân NXB Giáo dục hay như Nguyễn Hoàng Group cũng xem giáo dục như “món hàng hoá”.
Điều này tất yếu sẽ dẫn đến cái gọi là “tiền cho kiến thức”. Chỉ có điều, một khi đã thiên về kinh doanh nhằm mục tiêu đạt lợi nhuận cao thì việc phụ huynh “còng lưng” gánh các khoản mua sách giáo khoa hay đóng các khoản học phí đắt đỏ không còn là mối lưu tâm lớn của phía doanh nghiệp và các nhà kinh doanh giáo dục chỉ nghĩ đến việc “tiền trao cháo múc”.
Chuyện tréo ngoe người dân thì cùng cực còn doanh nghiệp lãi khủng còn có thể kể đến ở mảng phân bón. Giá phân bón trong nước những ngày gần đây được ghi nhận là có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ nay đến cuối năm 2022, giá mặt hàng này sẽ không giảm sâu bởi giá dầu thế giới được dự báo vẫn duy trì ở mức cao.
Theo ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của bà con nông dân. Chi phí từ phân bón, tùy thuộc loại cây trồng, tùy thuộc thời tiết, tùy thuộc thổ nhưỡng, dao động từ 30-60% giá trị vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, những đánh giá mới đây về các khoản lợi nhuận khủng của các nhà sản xuất phân bón khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng. Đơn cử như với một doanh nghiệp nội địa hàng đầu trong mảng sản xuất phân Ure, hồi tháng 6/2022, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI dự báo doanh nghiệp này chiếm 35% thị phần trong nước có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 60-70% trong quý 2 và quý 3/2022.
Còn hồi quý 1/2022 lợi nhuận của doanh nghiệp nêu trên tiếp tục lập kỷ lục lịch sử ở mức 2.126 tỷ đồng, gấp 12 so với cùng kỳ năm 2021. SSI ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 của nhà sản xuất phân Ure này đạt 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ).
Với tình hình giá phân bón vẫn neo giữ mức cao như hiện nay, khi được chia sẻ về những dự báo tăng trưởng lợi nhuận khá tốt ở một vài nhà sản xuất phân bón như hiện nay, nông dân Lâm Trung Việt ở huyện Châu Thành (Bến Tre) nói rằng, nông dân vẫn là người khổ nhất, DN phân bón lãi vượt còn nông dân làm ra sản phẩm bán không đủ trả tiền mua phân.
“Doanh nghiệp phân bón báo lãi, nhưng chính nông dân lại là người góp phần đem lại lợi nhuận đó. Giá tăng được công ty phân bón giải thích là giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng nên phải tăng theo, nhưng lãi thì gấp mấy lần cùng kỳ năm trước, còn chúng tôi khi làm ra nông sản thì giá cả lại sụt giảm, làm cho khốn đốn cùng cực. Cho nên cuối cùng người thiệt nhất vẫn là nông dân như chúng tôi”, ông Việt nói.
Có thể nói, những nghịch lý về mặt lợi nhuận khủng của tổ chức, doanh nghiệp trong mảng giáo dục hay mảng phân bón, đối nghịch lại sự “còng lưng” chịu thiệt của các phụ huynh học sinh và nông dân là điều mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần để tâm. Nhất là cần có những đường hướng thay đổi để lợi nhuận cao của doanh nghiệp phải tỷ lệ thuận với sự hưởng lợi của người dân, đôi bên phải có sự hài hoà lợi ích với nhau.
Thế Vinh