Diễn đàn VBF lần này sẽ tập trung vào ba phiên thảo luận chính, gồm: Tiến tới chuỗi giá trị, Giải quyết những thách thức về công nghệ, Tăng trưởng tài chính bền vững.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách trong thực thi pháp luật và chuẩn bị tổng kết 30 năm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, Diễn đàn VBF sẽ là cơ hội thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy môi trường đầu tư ở Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sáng nay khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 |
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có được những thành tựu nói trên không thể không nhắc đến sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI. "Đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5 - 6 triệu lao động gián tiếp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Nhận xét về sự liên kết giữa doanh nghiệp nội - ngoại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế… Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng các tham luận của cộng đồng doanh nghiệp hôm nay sẽ không chỉ phản ánh những vấn đề đang được quan tâm mà còn tập trung đi sâu phân tích, đánh giá về những khó khăn, nguyên nhân, bài học và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Vũ Trọng