Năm ngoái, giá bán của trái cam Úc tại thị trường Tp.HCM vào khoảng 90.000 đồng/kg do phải qua khâu trung gian là các nhà nhập khẩu (NK). Hiện nay, giá bán của loại trái cây này ở hệ thống siêu thị Big C chỉ vào khoảng 69.000 đồng/kg.
Siêu thị rộng mở
Nguyên nhân là hệ thống siêu thị này đã NK trực tiếp trái cam Úc mà không phải qua trung gian, nên giá bán rẻ hơn nhiều và rất cạnh tranh với trái cây cùng loại trong nước.
Hơn nữa, các siêu thị cũng “gườm” nhau về giá bán trái cây nhập nhằm vượt qua đối thủ, nên thường sẽ tìm cách hạ giá ở mức tốt nhất có thể. Vì vậy, người tiêu dùng Việt càng có cơ hội sử dụng trái cây nhập giá rẻ thay vì mua trái cây nội địa.
Chia sẻ tại buổi họp báo ở Tp.HCM hồi cuối tuần qua nhằm quảng bá mùa thu hoạch quả cam Navel của Úc đã tới, bà Dianne Phan, Trưởng phòng Thương mại Innovation Hort, cho biết ngày càng nhiều người Việt Nam mua trái cây Úc, Việt Nam là một trong 10 thị trường xuất khẩu cam Navel hàng đầu của nước này.
Theo bà Dianne, năm 2019 tiếp tục là một năm kỳ vọng đối với người trồng cây ăn trái Úc khi mức tăng có thể đạt 108% so với năm trước về khối lượng thương mại tại Việt Nam.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc thương mại của một DN kinh doanh mặt hàng trái cây ngoại, cho biết nhiều loại trái cây NK hiện nay tấn công mạnh vào thị trường Việt thông qua các kênh bán lẻ hiện đại trên toàn quốc, như Big C, Aeon mall, Mega Market, Klever Fruit…
Lâu nay, trên thị trường trái cây nhập ở Việt Nam nổi lên các nhà NK như Tony Fruit, Tú Phượng, Fruitsandgreen, Klever Fruit, Nam Chân, Epco Foods… Một số nhà NK ngoài việc phân phối cũng sở hữu riêng hệ thống chuỗi cửa hàng bán trái cây NK tươi sạch.
Theo bà Thanh Nguyễn, một số kênh siêu thị ngoại ở Tp.HCM chủ động ra nước ngoài tìm kiếm các nhà xuất khẩu trái cây và NK trực tiếp về Việt Nam. Quy trình NK trái cây của các siêu thị này cũng tương tự như các nhà NK, chỉ khác ở chỗ họ là các nhà bán lẻ.
Trước đây, các nhà bán lẻ lớn trong nước thường lấy nguồn hàng trái cây ngoại từ những nhà NK. Mặc dù hiện tại vẫn còn một số siêu thị liên kết với nhà NK (tuỳ vào loại trái cây, tuỳ vào sản lượng), nhưng điều dễ nhận thấy bắt đầu ở những tên tuổi siêu thị lớn là NK trực tiếp toàn bộ trái cây ngoại.
![]() |
Trái cây nhập tràn ngập ở các siêu thị là thách thức lớn với trái cây Việt |
Gặp khó trên “sân nhà”
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi hơn 1,15 tỷ USD NK rau, củ, quả ngoại. Trong đó, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Úc là 4 thị trường cung cấp rau củ quả lớn nhất cho Việt Nam. Nếu tính trung bình hàng tháng, Việt Nam đã chi hơn 164 triệu USD để NK rau, củ, quả ngoại.
Điều đáng chú ý, có nhiều loại rau quả ngoại không chỉ tấn công vào kênh bán lẻ hiện đại mà còn len lỏi vào kênh bán lẻ truyền thống, có mặt ở các chợ, vỉa hè và cả ở vùng nông thôn. Thậm chí, có những loại rau quả ngoại có giá bán còn rẻ hơn rau quả cùng loại trong nước.
Trước xu hướng sử dụng trái cây ngoại ngày càng gia tăng, ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc công ty TNHH Hải Vinh (Tp.HCM), cho biết thời gian trước đây, công ty chuyên sản xuất nhựa, rồi đến ngành hàng thực phẩm, nhưng thời gian tới có thể sẽ xúc tiến việc NK trái cây, chẳng hạn như NK trái cây từ EU nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, khi tiếp xúc với các nhà xuất khẩu trái cây của EU trong các buổi giao thương gần đây, bà Mùi đề nghị sẽ nhập thử 1/4 lượng trái cây trong 1 container đối với 1 loại trái cây, hoặc là NK 1 container đối với nhiều loại trái cây.
Trước đề nghị như vậy, đa phần các nhà XK trái cây của EU đều từ chối, cho biết chỉ bán ít nhất là 1 container (khoảng 18 tấn) đối với 1 loại trái cây. Theo bà Mùi, do chưa thể tìm hiểu kỹ thị trường và chưa biết thị trường Việt có chấp nhận các loại trái cây EU hay không, nên dù rất muốn đi theo xu hướng NK trái cây nhưng công ty vẫn còn khá lưỡng lự.
Tuy vậy, vị giám đốc này cho rằng người tiêu dùng Việt rất sính đồ ngoại như trái cây nhập từ những quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… vì được mặc định là an toàn. Các nhà NK trái cây cũng thích làm việc với đối tác xuất khẩu từ những quốc gia này vì có độ uy tín cao.
Có thể thấy, từ việc “trải thảm” cho trái cây ngoại của các kênh bán lẻ hiện đại, cũng như xu hướng NK trái cây của một số DN nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Việt, việc tiêu thụ của trái cây Việt trên “sân nhà” có thể sẽ vấp phải không ít thách thức trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc đưa trái cây Việt vào hệ thống siêu thị ngoại vẫn luôn là bài toán nan giải khi không phải nhà cung cấp nội địa nào cũng có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện khắt khe mà nhà bán lẻ ngoại đặt ra.
Thế Vinh