Theo quy định, từ ngày 1/7/2021, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.
![]() |
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, quy định không được sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa trước khi xuất bán đã được phổ biến tới DN từ rất lâu. |
Theo phản ánh, Công ty hoa Dalat Hasfarm tại Đà Lạt và 40 hộ nông dân trồng hoa tại vùng hoa Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận) phải mang 700.000 cành hoa cúc là hoa xuất khẩu xay làm phân bón để tiêu hủy trong hơn một tuần qua. Nguyên nhân là do Bộ NN&PTNT ra quy định mới và buộc các đơn vị sản xuất hoa không được sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa trước khi xuất bán, đồng thời hướng dẫn hợp chất thay thế.
Tuy nhiên, doan nghiệp (DN) phản ánh, theo quy trình xuất hoa sang thị trường Úc, hoa cúc và cẩm chướng cần phải sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa (ngâm 35cm cành hoa trong dung dịch 0,5% hoạt chất trên trong vòng 20 phút). Và đơn vị nhập khẩu hoa tại Úc không chấp nhận sử dụng hợp chất thay thế ngoài Glyphosate.
Do đó, nếu người sản xuất hoa cho thị trường Úc làm theo quy định của Bộ NN&PTNT thì sẽ không được phía Úc tiếp nhận hoa. Nếu làm theo quy định của đối tác phía Úc thì vi phạm quy định của Việt Nam và không được cấp phép xuất khẩu.
Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, 3 tháng trước ngày 30/6/2021, Cục Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản nhắc nhở các DN sử dụng thuốc này để họ chủ động có kế hoạch với quyết định của Bộ. Như vậy, DN hoàn toàn chủ động và Bộ đã làm theo lộ trình theo đúng thông lệ quốc tế đảm bảo đủ thời gian để DN thích ứng với các quy định của Bộ, "chứ không thể nói rằng bảo cấm là cấm hay bảo bất ngờ cho DN".
Cho đến sáng nay (ngày 14/7), đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã cho kiểm tra, nắm lại thông tin, riêng việc xuất khẩu hoa, đặc biệt là hoa cắt cành đi đến 20 nước trên thế giới chứ không chỉ riêng thị trường Úc. Đối với riêng thị trường Úc thì có 2 loại hoa gồm hoa cúc và hoa cẩm chướng, họ yêu cầu trước khi xuất khẩu thì phải nhúng vào dung dịch Glyphosate từ 0,25 - 0,5%. Còn tất cả các loại hoa khác như cát tường, hoa hồng, lan hồ điệp vẫn xuất khẩu bình thường.
Do đó, khi Thông tư 10 có hiệu lực từ 30/6/2021 và theo đúng Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật Việt Nam thì những loại thuốc không nằm trong danh mục đương nhiên không được phép sử dụng.
Với quan điểm của Bộ, của Cục Bảo vệ thực vật, khi loại bỏ hoạt chất ra khỏi danh mục thì đã có đầy đủ báo cáo khoa học, tổng hợp tất cả các thông tin, đặc biệt là các báo cáo khoa học từ Mỹ. Quan điểm của Bộ là bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết. Bên cạnh đó là bảo vệ môi trường.
Ông Trung cũng cho biết, nếu theo đúng Luật Bảo vệ thực vật thì chúng ta phải làm và theo lộ trình thì có 2 năm chứ không phải áp ngay quy định. Do đó, nếu các thông tin đưa ra là cấm ngay hay bất ngờ là không phải.
"Trong thời gian vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật và Bộ liên tục có các văn bản trả lời và thông báo cho Dalat Hasfarm, thông báo cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, thông báo cho UBND tỉnh Lâm Đồng, thông báo cho Hiệp hội hoa tỉnh Lâm Đồng về vấn đề này và các DN trên địa bàn một cách rõ ràng", ông Trung chia sẻ.
Thy Lê