![]() |
6 tháng đầu năm 2021 doanh thu từ kinh doanh vận tải ô tô sụt giảm từ 70% do đó VATA đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã và doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải (Ảnh: TL) |
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch VATA, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Các hãng xe phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp chống dịch, đặc biệt thực hiện quy định xe khách nếu được hoạt động thì số lượng hành khách được phép chở trên xe tối đa không quá 50% số ghế thiết kế; chi phí phát sinh do phải trang bị khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn toàn bộ trên xe...
Do đó, xe khách chở khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động là trên 50%. Xe taxi chỉ chạy khoảng 20-30%, số km của xe hoạt động chỉ từ 100-150km (so với trước dịch bình quân trên 300km/ngày), số xe 'đắp chiếu' là 70-80%. Xe buýt sản lượng và doanh thu ước đạt 45-50% so với trước dịch.
Xe du lịch đạt khoảng 10-15% so với trước dịch, hầu hết số xe phục vụ du lịch phải nằm chờ tại bãi không hoạt động do khách quốc tế không được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Ở trong nước, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội nên không có nhu cầu đi du lịch nội địa. Xe vận chuyển khách hợp đồng chỉ chạy đạt 20-30%.
Cũng theo VATA, sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách trong 6 tháng của năm 2021 chỉ đạt 20-30% so với trước dịch. Mặc dù có doanh thu nhưng vẫn lỗ rất nặng vì chi phí cho những xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn tăng lên do giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh và tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh.
Trước tình hình khó khăn của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, VATA tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn hiện nay.
Hải Sơn