Câu chuyện thương hiệu ô tô Việt là VinFast mới trình làng hai mẫu xe đầu tiên tại triển lãm Paris Motor Show 2018 ở Pháp là tín hiệu đáng khích lệ cho ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam.
Như chia sẻ của ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Khách tham quan tìm hiểu về mẫu xe VinFast tại triển lãm Paris Motor Show 2018 |
Giải bài toán khó
Hãng xe nội ra đời không lâu này đã đầu tư một khu công nghiệp phụ trợ riêng ở Hải Phòng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô.
Đặc biệt là mục tiêu của công ty sẽ nội địa hóa gần như toàn bộ việc dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe, đặt nền tảng cho việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, từng bước nâng cao hàm lượng Việt trong sản phẩm với khát vọng đạt tỷ lệ nội địa hóa ô tô hơn 50%.
Nội địa hóa ngành cơ khí ô tô tại Việt Nam được hiểu là hoạt động nhằm gia tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước cho ô tô và các loại linh kiện phụ tùng để thay thế phần giá trị nhập khẩu. Đây là một trong những bài toán khó trong quá trình phát triển bền vững của ngành mà hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước đều gặp phải.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thuế suất nhập khẩu ô tô khu vực ASEAN đã về 0% đang gây một sức ép đáng kể đối với các nhà sản xuất trong nước. Việc tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để được hưởng thuế suất 0%, gia tăng xuất khẩu (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-ATIGA mà Việt Nam là thành viên) là con đường tất yếu để các DN ô tô Việt nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc CTCP ô tô Trường Hải (Thaco), cho biết: "Nội địa hóa là bài toán khó đối với DN ô tô. Bởi vì nội địa hóa cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn, trong khi dung lượng thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, chỉ khi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho DN làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm".
Có lẽ cũng nên lấy trường hợp Thaco là một điển hình của các DN ngành cơ khí ô tô Việt đã "nói được và làm được" trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Hiện nay, các sản phẩm ô tô do DN này sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 15-25% đối với xe con, 35-45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus.
Đặc biệt, xe bus của Thaco được định vị là sản phẩm thương hiệu Việt đã được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines và tiếp đến sẽ là thị trường Campuchia, Singapore, Đài Loan.
Đối với xe du lịch, công ty này đang gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe Mazda và Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020.
Nội thất xe VinFast tại triển lãm Paris Motor Show 2018 |
Tạo "động lực kéo"
Trong chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cơ khí ô tô Việt hiện nay và trong tương lai, giới chuyên gia cho rằng nên được thực hiện theo lộ trình: Ưu tiên các sản phẩm có sản lượng lớn, cồng kềnh (chi phí vận chuyển cao), có sẵn nguồn nguyên vật liệu trong nước, các nhóm sản phẩm cùng công nghệ và được Chính phủ ưu tiên phát triển.
Còn với các dòng xe tải và bus, cần đẩy mạnh nội địa hóa các linh kiện có giá trị và yêu cầu công nghệ cao như khung chassis, mâm xe, thùng nhiên liệu, hệ thống khí nén (gồm bình khí nén và hệ thống đường ống), két nước làm mát, cửa, capo…
Theo giới chuyên gia, nội địa hóa chính là chìa khóa giúp các DN, đặc biệt là DN trong ngành ô tô có thể làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất. Đồng thời, DN cũng sẽ chủ động được nguồn cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng phục vụ sản xuất và gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Lộ trình nội địa hóa cũng cần các DN Việt thực hiện một cách bài bản với các bước đi và giải pháp cụ thể để có thể đạt được những kết quả khả quan. Từ đó sẽ đóng góp thiết thực cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, tạo "động lực kéo" cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Để thúc đẩy việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, theo chuyên gia Nguyễn Thị Xuân Thúy (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương – VIOIT), công nghiệp ô tô Việt cũng nên đi theo 3 xu hướng sử dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, thứ nhất là cải tiến quy trình hiện có nhằm tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất chế tạo ô tô và quy trình tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp ô tô (ô tô điện, tạo ra phụ tùng linh kiện ô tô bằng công nghệ in 3D…).
Thứ hai là tăng tính tự chủ của ô tô (ô tô tự hành). Thứ ba là tăng tính tự chủ và độc lập của các công đoạn sản xuất để ứng phó với sự phức tạp ngày càng gia tăng của ngành.
Bà Thúy nhận định sẽ cần có thời gian để hiện thực hóa những xu hướng này, nhưng các DN nội địa đầu ngành phải có sự chuẩn bị. Điều đó đòi hỏi những thay đổi về quản lý quy trình, mô hình kinh doanh, kiến trúc hạ tầng IT, chuỗi giá trị.
Thế Vinh