Lấn sân sang ngành công nghiệp ô tô bằng Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) có quy mô trị giá 3,5 tỷ USD, Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) đã chính thức đưa Vinfast trở thành “mảnh ghép” thứ 7 trong hệ sinh thái bên cạnh bất động sản (Vinhomes), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), bán lẻ (Vinmart), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmec) và nông nghiệp (Vineco).
Mới đây, Vingroup đã nâng số ngành nghề kinh doanh trong hệ sinh thái của mình lên con số 10 với việc tham gia vào lĩnh vực dược phẩm và sản xuất điện thoại thông minh với thương hiệu VinFa và Vinsmart.
Sự điều chỉnh cần thiết
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 9, chỉ số Vn-Index dừng tại 1.017,13 điểm, tăng 2,8% so với đầu tháng và là tháng tăng điểm thứ hai liên tiếp.
Thời gian qua, thị trường cũng ghi nhận đà bứt phá của nhiều nhóm cổ phiếu như dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thủy sản…
Là một trong những “khủng long” của sàn chứng khoán, cổ phiếu VIC dường như lại đi ngược so với xu thế chung của thị trường khi có một tháng giao dịch thiếu tích cực.
Trong tháng 9, cổ phiếu VIC đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ từ mức giá 103.400 đồng/cp (phiên 31/8) xuống 98.300 đồng/ cp (phiên 28/9), tương đương mức giảm gần 5%.
Mặc dù vẫn có những phiên tăng, giảm đan xen, nhưng tháng 9 có tổng cộng 19 phiên giao dịch thì VIC có tới 12 phiên giảm giá.
Đáng chú ý nhất là tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9, trong khi thị trường chứng khoán liên tiếp bứt phá, chinh phục thành công các vùng kháng cự, đóng góp tới một nửa tỷ lệ tăng điểm trong cả tháng, VIC lại có 4 phiên giảm giá liên tiếp.
Tuy nhiên, mức giảm không đáng kể khi chỉ đạt 1,3%, thanh khoản ổn định tại mức trung bình gần 700.000 đơn vị mỗi phiên. Đây là mức thanh khoản cũng có phần sụt giảm hơn so với khoảng thời gian trước đó (trung bình đạt hàng triệu đơn vị mỗi phiên).
Nhiều người cho rằng thanh khoản của VIC sụt giảm cũng là điều hết sức bình thường, bởi thực tế ngoài VIC còn có 3 doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái Vingroup đang niêm yết cổ phiếu bao gồm CTCP Vinhomes (mã: VHM), CTCP Vincom Retail (mã: VRE) và CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (mã: SDI).
Tổng giá trị vốn hóa của “mẹ con” Vingroup trên sàn đạt khoảng 725.000 tỷ đồng (hơn 31 tỷ USD), tương đương gần 24% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong số này, VHM và VRE là hai “tân binh” nhưng đều góp mặt trong câu lạc bộ vốn hóa khủng của sàn chứng khoán không lâu sau khi chào sàn.
Do đó, các nhà đầu tư có xu hướng phân bổ danh mục đều cho các cổ phiếu “họ Vin” bởi khả năng sinh lời tốt mà nhóm cổ phiếu này mang lại.
Trong một chia sẻ của một nhà đầu tư cá nhân cho biết khoản đầu tư cổ phiếu VIC của mình đã có mức lãi hơn 230% chỉ sau hơn một năm vào dịp cổ phiếu này vượt đỉnh mọi thời đại hồi tháng 11/2017.
Từ những điều đó, quay trở lại với đà giảm của cổ phiếu VIC trong tháng 9 vừa qua, giới đầu tư cho rằng đây là một sự điều chỉnh cần thiết cho một đợt sóng mới của cổ phiếu này.
Diễn biến cổ phiếu VIC trong phiên ngày 2/10 |
Kỳ vọng thêm nhiều “cú hích”
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vingroup đã thu về tới 61.200 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 26.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng gấp đôi cùng kỳ, lên con số 6.230 tỷ đồng.
Vinhomes và Vincom Retail là những công ty con đóng góp chính vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Vingroup. Tuy nhiên, một mảng kinh doanh mới dự kiến cũng sẽ đóng góp phần không nhỏ vào “hầu bao” của Vingroup chính là hãng ô tô “made in Vietnam” Vinfast.
Một sự kiện khiến giới đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai không xa của VIC có sự góp mặt của ngành ô tô là ngày 2/10, Vinfast chính thức trình làng 2 mẫu xe Sedan và SUV tại Paris Auto Shows 2018, một trong số những triển lãm xe danh giá nhất trên thế giới.
Thông tin này đã khiến cổ phiếu VIC bứt phá mạnh trong phiên giao dịch ngày 2/10 với mức tăng 3,6% lên 102.000 đồng/cp, với hơn 1,2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Như vậy, VIC đã chính thức lấy lại được mốc 100.000 đồng sau nửa tháng dùng dằng ở mức giá 9x.
Trước đó, phiên giao dịch ngày 1/10, cổ phiếu VIC cũng ghi nhận diễn biến tích cực trong phiên sáng với mức tăng đạt 2,6% lên 100.900 đồng/ cp. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch buổi chiều, đà tăng bị thu hẹp chỉ còn 0,2% về mức 98.500 đồng/cp.
Như vậy, tính chung trong hai phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, Vinfast đã mang về cho cổ phiếu VIC thêm 3.700 đồng/cp, tương đương mức tăng đạt 3,7%.
Với diễn biến tích cực như hiện tại của VIC, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup, đồng thời là ông chủ của thương hiệu xe Vinfast đã tăng thêm khoảng 7.000 tỷ đồng.
Tạm tính tại thời điểm Vinfast ra mắt hai mẫu xe ô tô đầu tiên tại triển lãm Paris Motor Show, tài sản ròng của ông Vượng đã đạt 8,4 tỷ USD, vượt xa khối tài sản mà Chủ tịch tập đoàn Huyndai – hãng xe lớn nhất Hàn Quốc, đang sở hữu (4,5 tỷ USD).
Đánh giá về tương lai của Vinfast, trang CNBC của Mỹ cho biết nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, Tp Hải Phòng của Việt Nam sẽ sớm trở thành địa điểm đặt nhà máy ô tô mới nhất của thế giới trên diện tích 827 mẫu. Với trung tâm sản xuất khổng lồ của mình, Vinfast có thể đáp ứng gấp đôi quy mô thị trường nội địa hiện tại và thậm chí đang tìm cách xuất khẩu, đầu tiên là các quốc gia Đông Nam Á.
Dự kiến ra mắt vào tháng 9/2019, tức còn khoảng một năm nữa, những chiếc xe hơi đầu tiên của họ “Vin” sẽ được bán ra thị trường, hứa hẹn nhiều “cú hích” đến với VIC trong dài hạn.
Linh Đan