Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Khó khăn do sức mua nội địa giảm, xuất khẩu giảm. Suốt thời gian qua, Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn như gia hạn nợ, giảm thuế phí, nhưng để giúp DN vượt qua khó khăn, tăng tốc và hoàn thành kế hoạch thì vẫn là thách thức lớn.
Đề xuất lãi suất cho vay xuống 7-8%
Bà Chi cho hay, điều DN mong mỏi nhất lúc này là được khơi thông dòng vốn, không phải vấn đề “vay ngân hàng khó hay dễ mà DN đang ngần ngại lãi suất cho vay còn cao. Chúng tôi mong muốn phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong tháng 7- 8 tiếp tục hạ lãi suất cho vay xuống 7-8%”.
Dự báo kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong 2 quý cuối năm 2023. |
Theo bà Chi, việc hạ lãi suất cho vay kết hợp chính sách của Nhà nước về giảm thuế VAT sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế, giảm giá ở thị trường nội địa nhằm kích cầu tiêu dùng.
Thêm vào đó, Chủ tịch FFA bày tỏ mong muốn cơ quản lý giải tỏa ngay bất cập chính sách như chậm hoàn thuế VAT, phòng cháy chữa cháy… thực thi chính sách thông suốt để DN có thể yên tâm tăng tốc sản xuất. “Tôi tin rằng sự hợp sức của DN và Nhà nước chắc chắn sẽ giúp kinh tế tăng tốc trong 6 tháng cuối năm và hoàn thành mục tiêu cả năm đặt ra”, bà nói.
Trong một khảo sát 1.300 thành viên của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện cũng cho thấy, tỷ lệ DN dự đoán sự ổn định hoặc cải thiện kinh tế đã tăng 2%, nâng tổng số DN dự đoán điều này lên gần 1/3. Số lượng các nhà lãnh đạo DN đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý III/2023 đã tăng 9% so với đánh giá của họ cho quý II/2023.
Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham, ông Gabor Fluit cũng nêu ra thực tế, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, và đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các DN châu Âu và cộng đồng DN nói chung.
Đáng chú ý, ông Gabor Fluit bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vấn đề khó khăn như cấp thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; Sự ảnh hưởng của tình trạng thiếu điện đối với hoạt động kinh doanh…
Đòi hỏi phải hành động nhanh
Ví dụ về vấn đề thiếu điện, EuroCham khuyến nghị: Chính phủ nên tập trung vào việc phát triển các kế hoạch dài hạn vì việc này có khả năng xảy ra theo chu kỳ. Bằng cách hành động nhanh chóng và toàn diện, chúng ta không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn đảm bảo một nền kinh tế vững mạnh và có khả năng vượt qua trở ngại trong tương lai. “Vấn đề thời gian rất quan trọng, vì vậy chúng ta phải hành động nhanh chóng và quyết liệt để đảm bảo một tương lai thịnh vượng cho Việt Nam”, ông Gabor Fluit chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), với kịch bản giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn và các cơ quan Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ và giải ngân đầu tư công, song hành với việc cải cách mạnh mẽ và hiệu quả về môi trường kinh doanh, các quy định và tăng năng suất lao động... tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023.
Theo ông Dương, các yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm còn khá nhiều. Các yếu tố này bao gồm xung đột Nga – Ukraine kéo dài, cạnh tranh địa chính trị giữa các siêu cường, biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực tăng giá trên thị trường thế giới,… “Nhưng những yếu tố này không mới, mà đã được nhìn nhận từ trước”, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Theo đó, ông Dương cho rằng, “công thức” điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, gắn với cải cách nền tảng kinh tế (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) cũng đã hình thành về cơ bản trong nhiều năm qua. Chính ở đây, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đòi hỏi phải có động lực mới, nhanh và thực chất hơn nữa cho cải cách và điều hành kinh tế trong thời gian tới.
Về chính sách tiền tệ, ông Dương cho rằng cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá tác động của các diễn biến kinh tế - tài chính - công nghệ đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh và hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, rà soát, đánh giá tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất để đề ra các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp. Nghiên cứu, mở rộng các hình thức cấp vốn cho DN tham gia chuỗi giá trị; tháo gỡ các quy định, rào cản ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của DN.
Về chính sách tài khóa, ông Dương khuyến nghị nghiên cứu khả năng điều chỉnh mức thuế suất thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân cho một số nhóm đối tượng phù hợp; Đánh giá tác động của việc đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các phương án sử dụng nguồn thu bổ sung từ sắc thuế này cho các chương trình phát triển bền vững…
TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và lại ở một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế luôn là một mục tiêu quan trọng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song chúng ta vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Để làm được điều đó, chúng ta đã và đang nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, giải trình hiệu quả các nội dung liên quan như kết quả tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm, hay định hướng lựa chọn tăng trưởng kinh tế hay lạm phát hay cả hai... Hướng tới tương lai, chúng ta cũng nhìn nhận yêu cầu tạo động lực từ đổi mới sáng tạo, từ cải thiện năng suất lao động, và từ các mô hình kinh tế mới. Bà Huỳnh Thị Mỹ Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam Ngành nhựa, bao bì là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Do vậy, dù trong tình hình khó khăn chung, ngành nhựa vẫn có đơn hàng, DN vẫn duy trì sản xuất. Hiện, tồn kho của các thị trường đã có dấu hiệu giảm, chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ nhựa 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc, đơn hàng sẽ nhiều hơn. Trong bối cảnh khó khăn, nguồn vốn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi DN. Các DN rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhưng với quy mô DN nhỏ nên cơ hội tiếp cận các gói lãi suất ưu đãi rất khó khăn. Ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam DN dệt may kỳ vọng trong quý III này, và quý IV tới thị trường sẽ phục hồi trở lại, tuy vậy dự kiến con số xuất khẩu cao nhất của ngành trong năm nay chỉ gần 40 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu 46-47 tỷ USD. Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ngành dệt may mong muốn Chính phủ khởi động lại chính sách hỗ trợ DN như thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Trong đó có việc rà soát lại các gói hỗ trợ DN sử dụng thế nào; đồng thời tiếp tục có hỗ trợ đối với DN như chính sách cho vay với lãi suất 0% để DN trả lương, hoãn đóng phí công đoàn, tiếp tục giảm lãi suất cho vay. |
Nhật Linh