Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, bối cảnh từ nay đến cuối năm cho thấy tình hình còn tiếp tục khó khăn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Chính vì điều đó, để đạt mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP cả năm 6,5% thì nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Tia sáng đã xuất hiện
Mặc dù Bộ KH&ĐT có đưa ra một kịch bản thấp hơn một chút, tăng trưởng cả năm mức 6% thì tăng trưởng quý III cũng phải đạt 6,8% và tăng trưởng quý IV là 9%, vẫn là những con số khá thách thức. Còn “Nếu chúng ta muốn đạt mục tiêu 6,5% của Quốc hội thì tăng trưởng quý III tối thiểu phải 7,4% và quý IV phải 10,3%. Tuy quý III của năm 2022, chúng ta đã đạt con số trên 10% rồi, nhưng năm nay khó hơn rất nhiều so với năm ngoái. Dù vậy, nhiệm vụ đặt ra, chúng ta vẫn phải thực hiện”, ông Phương nói.
Hỗ trợ DN được xem là giải pháp quan trọng để giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. |
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó là rất quan trọng. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giai đoạn đầu năm, các nhà nhập khẩu e ngại việc ký đơn hàng dài hạn và lớn do nhu cầu yếu, tồn kho từ năm 2022 vẫn còn cao. Cùng với những biến động của thị trường, việc lãi suất tăng cao, tình hình tài chính eo hẹp cũng khiến DN thận trọng hơn trong việc mua hàng.
Tuy nhiên, Tổng thư ký VPA cho rằng, ngành nhựa, bao bì là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Do vậy, dù trong tình hình khó khăn chung, ngành nhựa vẫn có đơn hàng, DN vẫn duy trì sản xuất: “Hiện, tồn kho của các thị trường đã có dấu hiệu giảm, chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ nhựa 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc, đơn hàng sẽ nhiều hơn”.
Bà Mỹ phản ánh, trong bối cảnh khó khăn, nguồn vốn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi DN. Các DN rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhưng với quy mô DN nhỏ nên cơ hội tiếp cận các gói lãi suất ưu đãi rất khó khăn.
Trong khi đó, ông Lee You Young, Giám đốc tài chính Công ty Hana Micron Vina (DN sản xuất chất bán dẫn - Bắc Giang) phàn nàn về tình trạng mất điện diễn ra trong tháng 5 vừa qua. Thiếu điện cho sản xuất đã gây ra những tổn thất lớn với DN về vận hành, cũng như ảnh hưởng tới việc xem xét mở rộng đầu tư trong tương lai.
Ông Lee You Young mong muốn, tình trạng thiếu điện sẽ được giải quyết triệt để, đảm bảo DN hoạt động ổn định và phát triển mạnh ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Việt Nam.
Theo ông ông Lee You Young, ngành công nghiệp bán dẫn đang bước vào giai đoạn phục hồi, dự báo sẽ khởi sắc trong quý IV năm nay. Hana Micron Vina đang chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy thứ 2 tại Việt Nam với phương châm “người có chuẩn bị chủ động cho sự phục hồi sẽ luôn tồn tại và phát triển”.
Chính phủ sẽ có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 100 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16,6 nghìn DN rút khỏi thị trường. DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn về vốn. Cụ thể, số vốn đăng ký của DN thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022).
Trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã được giảm tương đối. Chỉ trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến 15/6/2023 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (khoảng 14-15%).
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng chậm là do DN hiện nay khá khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số DN phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Bên cạnh đó, một số DN có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nguồn vốn thị trường như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục.
Do vậy, Cục Đăng ký kinh doanh khuyến nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển DN, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. "Khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì DN mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn", cơ quan này nhấn mạnh.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kết quả phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt được con số 3,72% là mức gần thấp nhất 10 năm qua. Nguyên nhân là do những ngành vốn là động lực tăng trưởng như công nghiệp chế tạo, chế biến vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi, tiêu thụ giảm, chỉ số tồn kho tăng. Điều này đặt ra những thách thức trong 6 tháng cuối năm.
Ông Cường cho biết, vừa qua, Quốc hội đã bấm nút thông qua một số chính sách hỗ trợ nền kinh tế như giảm thuế VAT 2%, đẩy mạnh phân bổ vốn đầu tư công, kéo dài thời hạn thị thực (visa), Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển TP HCM… Tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt vấn đề là DN sẽ hấp thụ chính sách hỗ trợ như thế nào. Hiện nay, để DN phục hồi trở lại, một mặt phụ thuộc vào thị trường thế giới, nhưng có một yếu tố thứ 2 đó là chính sách phải tạo động lực, hỗ trợ DN phát triển. Trong bối cảnh khó khăn, ông Cường cho rằng không nên có những chính sách thắt chặt khiến DN khốn khó như chậm hoàn thuế VAT, quy định khó đáp ứng về phòng cháy chữa cháy…
Nhắc lại vừa qua, Chính phủ đã cử 26 đoàn làm việc với các tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, định hướng nhiệm vụ giải pháp lớn trước mắt và lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương có dự thảo nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.
“Sau hội nghị này, chúng ta sẽ hoàn thành 2 nghị quyết là nghị quyết tình hình tháng 6 và 6 tháng về kinh tế - xã hội và nghị quyết chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương”, Thủ tướng nói. Đây được xem là những giải pháp cực kỳ quan trọng để giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Các Bộ ngành, địa phương cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, DN, thúc đẩy các động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, đầu tư (gồm khu vực tư nhân, DN nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công) và xuất khẩu. Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu DN, lao động phải được theo dõi chặt chẽ, xử lý vướng mắc... để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho DN. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với tăng phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN. Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nhiều ngành hàng XK chưa nhìn thấy tín hiệu khả quan, mong rằng chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống nhanh nhất, thuận lợi nhất; có DN bị đọng hoàn thuế lên đến 10 tỷ đồng nên bị nghẽn dòng tiền, hay các quy định hành chính còn làm khó DN như phòng cháy chữa cháy. DN phản ánh chi phí xây dựng nhà máy 10 tỷ nhưng để đáp ứng tiêu chí phòng cháy chữa cháy lên đến 15 tỷ. Nếu không tạo thuận lợi hơn cho DN thì cũng đừng làm DN khó khăn hơn. Hy vọng không khí hỗ trợ DN, thúc đẩy đầu tư trở nên rộng khắp trong hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước. Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm cũng như đạt được mức tăng trưởng hợp lý, cần phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, DN, giữa đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại. |
Lê Thúy