![]() |
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) |
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều nay (5.6) đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) quan tâm nhiều đến tình trạng quá tải sân bay khiến tình trạng chậm, trễ chuyến xảy ra thường xuyên gây bức xúc trong dư luận.
Theo đại biểu, thời gian vừa qua nhu cầu hành khách đi lại trong lĩnh vực hàng không tăng đột biến, do đó số lượng doanh nghiệp cũng tăng cường thêm số lượng tàu bay. Tuy nhiên, số lượng sân bay và diện tích sân bay lại không tăng.
Đối với cảng hàng không, theo ông Tuấn, sân bay Tân Sơn Nhất thì đang quá tải, sân bay Nội Bài về cơ bản cũng đang có dấu hiệu quá tải, còn với sân bay Long Thành thì vẫn đang trong quá trình triển khai. Điều này dẫn đến tình trạng hoãn và hủy chuyến bay, cá biệt còn xảy ra một số sự cố trong ngành hàng không với số lượng ngày càng dày đặc.
Từ những bất cập trên, ông Tuấn kiến nghị, ngành giao thông phải quyết liệt xử lý, xử phạt hay chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp trong quá trình khai thác nhưng không thực hiện đúng quy chế an toàn tàu bay.
“Điều tôi muốn đề xuất để làm sao giảm tải việc quá tải của cảng hàng không, đó là cần phải có định hướng cho các hãng tàu bay cố gắng bay vào ban đêm thì tốt nhất. Thời gian này ít xảy ra tắc đường, có thể lượng khách bay đêm có thể ít hơn ban ngày nhưng cũng giảm được đáng kể việc ách tắc trong sân bay”, ông Tuấn đề xuất.
Vẫn theo ông Tuấn, thực tế các nước vẫn thường tổ chức các chuyến bay đêm, còn Việt Nam chỉ tổ chức bay đêm đi quốc tế, còn bay nội địa thì rất ít, một số hãng đến 9 – 10h đêm là hết chuyến, có một số hãng kéo dài đến 0h. Từ thực tế này, ông Tuấn kiến nghị cần tăng cường nhiều chuyến bay đêm thì sẽ giảm được việc ùn tắc và quá tải hiện nay.
"Chính phủ đang rất quyết tâm xúc tiến xây dựng sân bay Long Thành, và công tác quản lý đến thời điểm này đang diễn ra rất tốt, tuy nhiên nếu chúng ta cố gắng sắp xếp xử lý, phối hợp với các sân bay cùng trên địa bàn thì có thể sẽ ổn định hơn trong vận chuyển bằng hàng không", ông Tuấn nói.
Chia sẻ việc xây dựng cảng hàng không của tư nhân thường nhanh hơn các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Tuấn là do cơ chế, và trong thời gian tới cũng cần phải điều chỉnh một số luật để việc xây dựng được nhanh và kịp thời hơn. Còn bây giờ phải chấp nhận vì ngành nay vẫn đang trong thời kỳ phát triển, nên cần có sự điều chỉnh để tiệm cận với thực tế. Còn với tư nhân, do họ có vốn sẵn nên có thể thực hiện theo ý của chủ đầu tư.
Đưa ra đề xuất của mình để giải cứu cho việc ách tắc cũng như quá tải của ngành hàng không, ông Tuấn cho rằng, cần phải mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, đồng thời thay đổi một số cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài. Cụ thể, công tác đền bù giải tỏa, nguồn vốn, giải ngân, trong quá trình thực hiện xuất hiện trượt giá nên lại phải điều chỉnh lại… tất cả các điều này đã khiến việc xây dựng các cảng hàng không bị chậm trễ.
Đánh giá về cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng các cảng hàng không, ông Tuấn cho biết, cơ chế hiện nay cũng đã rất thông thoáng và “mau lẹ”, ví dụ sân bay Vân Đồn hay cũng đã có nhà đầu tư xin làm sân bay Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Thanh Hoa