Báo cáo PCI 2017 đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp FDI có xu hướng nhỏ đi, cả về vốn chủ sở hữu và quy mô lao động. Nhận định này tiếp tục được khẳng định trong dữ liệu điều tra năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ hơn tăng rõ rệt. 9,4% doanh nghiệp được hỏi cho biết có chưa đến 5 lao động, 11% có quy mô từ 5-9 lao động và 32% có quy mô lao động nhỏ hơn 50. Tỷ lệ tương ứng trong năm 2017 lần lượt là 7,4%, 10,9% và 31%.
Trong khi đó, số doanh nghiệp tham gia điều tra có sử dụng 1.000 lao động trở lên giảm từ 6,4% trong năm 2017 xuống chỉ còn 4% năm 2018. Chỉ 5,4% doanh nghiệp có quy mô thuộc nhóm lớn thứ hai (500 - 999 lao động), so với mức 5,8% trong năm 2017.
Sự thu hẹp quy mô lao động của các doanh nghiệp FDI song hành với sự sụt giảm tương ứng về quy mô vốn. Năm 2018 có sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp nằm trong các nhóm quy mô nhỏ - dưới 0,5 tỷ đồng, từ 0,5 tỷ đồng đến dưới 1 tỷ đồng, và từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, với tỷ lệ lần lượt là 10,8%, 6,6% và 20,3% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI-FDI. Những con số tương ứng trong điều tra năm 2017 là 7,9%, 5,7% và 16,7%.
Thống kê chính thức từ Bộ KH&ĐT cũng khẳng định phát hiện này. Một số chuyên gia còn cảnh báo rằng nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh - nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những doanh nghiệp FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thúy Mạnh