Một trong những thông tin gây chú ý dư luận những ngày gần đây là Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân) – doanh nghiệp da giày (DN) có đông lao động nhất tại TP.HCM với hơn 50.500 người, dự kiến cắt giảm hơn 3.000 lao động trong thời gian tới.
Hàng ngàn lao động có nguy cơ thất nghiệp
Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho hay, do ít đơn hàng, năm 2023 công ty PouYuen Việt Nam sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động hết hạn) với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng từ 1 – 3 năm. Ngoài ra, công ty này cũng dự kiến sẽ cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D trong tháng 2/2023. Những công nhân lao động bị cắt giảm sẽ không đến Công ty làm việc nhưng vẫn được chi trả lương cho đến khi nhận chế độ.
Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu đang ảnh hưởng tới việc làm của người lao động. |
Đối với các công nhân lao động thuộc đối tượng giảm lao động của Công ty, công đoàn cơ sở đề nghị Công ty chi trả cho toàn bộ thời gian công nhân lao động làm việc tại công ty, mỗi năm 1 tháng tiền lương như đã từng giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc vào tháng 6/2020. Vấn đề này, ban giám đốc Công ty đã đồng ý đề xuất nhưng hiện đang chờ ý kiến của Tập đoàn ở Đài Loan.
Thực tế tình trạng DN thiếu đơn hàng, gặp khó khăn không chỉ diễn ra PouYuen mà đang là tình cảnh mà nhiều DN ngành da giày, dệt may… gặp phải. Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên, cho biết năm nay tình hình đơn hàng xuất khẩu của các DN da giày rất ảm đạm. Số DN có đơn hàng tới tháng 4/2023 rất ít, đa phần chỉ có tới hết tháng 2.
Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không cần thiết, các đối tác nhập khẩu bị tồn đọng hàng nên không đặt thêm đơn hàng mới. Hiện nhiều DN da giày đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, có nơi phải cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc tạm thời vì thiếu đơn hàng xuất khẩu.
Thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH đến ngày 24/1 cho thấy, có 528 DN bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số DN). Trong đó, tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ... da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng; dệt may 25-30%; chế biến gỗ 70%; công nghiệp phụ trợ 50%...
Ngoài ra, có gần 640.000 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong DN) bị ảnh hưởng việc làm trong các DN. Trong đó, chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Bên cạnh đó, số giờ làm việc bình thường giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày.
Nhìn nhận Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức trong năm 2023, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh rủi ro suy thoái toàn cầu năm 2023 đã gia tăng đáng kể. Cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine kéo dài đã kéo theo khủng hoảng năng lượng ở nhiều nước, tăng giá năng lượng trên thị trường thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng. Xử lý tác động đa chiều, đa tầng của các xu hướng này đối với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu và lạm phát của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải theo dõi các kịch bản, đồng thời thực hiện thận trọng, linh hoạt các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô.
“Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của một bộ phận người lao động. Trong bối cảnh ấy, duy trì sự tham gia lao động, đồng thời tạo dựng kỹ năng để người lao động thích ứng với những ngành nghề, hoạt động kinh tế mới sẽ là một yêu cầu quan trọng, song không dễ thực hiện”, bà Minh cho biết.
Chủ động để tìm kiếm đơn hàng
Do vậy, một trong những giải pháp hiệu quả nhất lúc này là DN cần phải chủ động để vượt khó, từ đó đảm bảo ổn định nguồn lao động. “Tôi chưa từng bỏ người lao động lúc khó khăn và người lao động cũng không bỏ tôi khi gặp khó”, là câu nói mà ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật – Việt – Thương hiệu Vento (Hải Phòng) chia sẻ khi đề cập tới câu chuyện người lao động gặp khó khăn hiện nay.
Ông Thăng cho biết, thị trường thế giới giảm cầu nhưng vẫn có những cơ hội đối với ngành giày dép Việt Nam. Thời gian vừa qua, sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” được ưa chuộng và đánh giá rất cao bởi vì Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu giày dép. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA… Điều này tạo ra lợi thế nhất định để cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Mặc dù vậy, ông Thăng khuyến nghị các DN nên hướng tới xuất khẩu có thương hiệu, thay vì chỉ làm gia công cho Adidas hay Nike dẫn tới phụ thuộc rất lớn vào họ.
Kể câu chuyện xây dựng thương hiệu ở thị trường châu Âu, ông Thăng cho biết, giày sản xuất tại Việt Nam đang chiếm khoảng 20% thị phần, người châu Âu cũng biết rằng đôi giày mà họ mua được sản xuất từ Việt Nam, nhưng xét về thương hiệu – đa phần là của DN nước ngoài. Rõ ràng chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để sản xuất ra giày mang thương hiệu Việt Nam.
“Sau quá trình gia công cho Nike hay Adidas, tại sao các DN không nghiên cứu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng để sản xuất ra những đôi giày mang tên của chính mình. Chúng ta cũng đừng nghĩ rằng hàng mang thương hiệu là phải bán giá đắt đỏ, tại sao không thử bán rẻ đi để thu hút khách hàng”, ông Thăng chia sẻ, đây là cách tạo dựng thương hiệu trong bối cảnh thị trường bất ổn, tổng cầu suy giảm.
Cùng với đó, CEO Vento đề xuất xây dựng website quốc gia về ngành giày dép để hỗ trợ cho ngành về chính sách, quy định hiện hành, quảng bá sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” nhằm tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm.
Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh tham gia các hoạt động tham vấn, góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật và nâng cấp cơ sở dữ liệu về ngành da giày trên Cổng thông tin điện tử da giày; Đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách Nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, phát triển Công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững.
Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Một trong những ngành sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới là dệt may, da giày... Hiện, các DN trong ngành này khó tìm kiếm đơn hàng trong 3-6 tháng tới. Vì vậy, các cơ quan chức năng trong Bộ Công Thương cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn mà DN gặp phải. Trong đó, không chỉ đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu mà còn phải xúc tiến nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ và chi phí cho DN khi mua những thiết bị hiện đại, với giá cả phải chăng. Ông Trần Thanh Nam Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Kim ngạch xuất nhập khẩu của tháng 1/2023 đã giảm kéo theo tình hình sản xuất và tiêu thụ tại các thị trường cũng giảm, vì vậy các bộ cần cùng phối hợp và theo dõi diễn biến của thị trường và tình hình kinh tế nói chung để có giải pháp thúc đẩy. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT mong muốn được phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát phòng vệ thương mại và phối hợp xây dựng đề án phát triển nông sản quốc gia. Ông Cao Hữu Hiếu Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Dự báo, các đơn hàng ngành may sẽ phục hồi vào quý II/2023, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay. Lường trước khó khăn này, Vinatex đang thực hiện tăng cường giải pháp đối với các DN sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, đảm bảo dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên. |
Nhật Linh