Một trong những thông tin đáng chú ý mà Thương vụ Việt Nam tại Philippines vừa cung cấp, đó là nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường này trong tháng 9/2022 đã giảm nhiều so với tháng trước đó, đặc biệt như gạo giảm 40%, cà phê giảm 23,8%, chè giảm 32,5%...
Xuất khẩu gạo sang Philippines cần thận trọng
Ông Phùng Văn Thành, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philippines, chia sẻ có thông tin rằng Philippines sẽ hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo, trong đó có gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm nhằm chờ đợi xây dựng xong một cơ chế mới.
Xuất khẩu gạo sang Philippines cần thận trọng trong giai đoạn hiện nay. |
Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đối với các hợp đồng đã ký, chuẩn bị ký với các đối tác Philippines, cần xác minh khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác để tránh trường hợp đổ bể hợp đồng gây thiệt hại cho cả hai bên.
Ví dụ, có trường hợp đang tranh chấp hiện nay, là hợp đồng gạo được ký kết giữa DN Việt và DN Philippines, đã có chuyển khoản đặt cọc, quy định giao hàng trong tháng 7 hoặc tháng 8/2022 nhưng mãi tới tháng 9/2022 mà DN Philippines chưa xin được giấy phép thông quan, trong khi DN Việt đã chuẩn bị hàng, tập kết tại cảng nên phát sinh chi phí lưu kho bãi. Để hạn chế thiệt hại, DN Việt đã hủy hợp đồng theo đúng quy định, nhưng điều đó gây ra tổn thất cho cả hai bên, đặc biệt DN Philippines cũng rơi vào tình cảnh đáng thương.
"Trong thời gian tới, các DN xuất khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Philippines, đặc biệt DN xuất khẩu gạo cần chủ động tìm hướng đi và thị trường mới để phòng tránh rủi ro quá phụ thuộc vào thị trường Philippines với những chính sách chưa rõ ràng và nguy cơ bất ổn, khó khăn", Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hải, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, đề cập tới việc lừa đảo hơn 120.000 USD của 01 DN tại Lít-va đối với 01 DN Việt Nam. Trong đó, DN Lít-va là DN do tổ chức tội phạm mở văn phòng ảo, mở tài khoản đứng đến công ty tại Lít-va. Trong quá trình giao dịch với DN nước ngoài, công ty này đã hack vào email và đề nghị công ty Việt Nam chuyển tiền vào tài khoản khác thông qua email và tin nhắn. DN Việt Nam vẫn chuyển tiền mà không có biện pháp xác minh lại. Thương vụ khuyến cáo đối với DN Việt Nam khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền đặc biệt lưu ý xác minh lại khi đối tác đề nghị thay tài khoản thanh toán bất thường.
Thêm vào đó, một trong những cảnh báo được nhiều tham tán thương mại đưa ra là hàng Việt phải bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường xuất khẩu. Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cung cấp người Hàn Quốc xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG. Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.
Tận dụng cơ hội cách nào?
Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, DN sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài. Do đó, các địa phương, hiệp hội và DN cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.
Cùng với đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng khuyến nghị thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường… Người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả và chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa. Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng của EU, đặc biệt là xu hướng xanh phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch.
Đáng chú ý, các Thương vụ cũng đề cập tới nhiều cơ hội. Cụ thể, nhu cầu EU nhập khẩu viên nén gỗ phục vụ cho các nhà máy điện của EU, để bù đắp nguồn nhiên liệu hóa thạch bị cắt giảm và năng lượng thiếu hụt, cũng như thực hiện các cam kết COP 26 của EU nên EU sẽ tăng cường sử dụng tỷ lệ lớn năng lượng tái tạo từ nguyên liệu sinh khối như viên nén gỗ. Do vậy, Thương vụ đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đẩy nhanh việc hợp tác, cấp giấy chứng nhận đối với các vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu sang EU…
Thực tế, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ đang trở thành điểm sáng của ngành gỗ, với kỳ vọng đạt kim ngạch trên 700 triệu USD trong năm nay. Tuy vậy, xuất khẩu viên nén cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức, khiến Việt Nam dù có cơ hội nhưng vẫn không thể tăng tốc xuất khẩu một cách đột biến.
Còn theo bà Đinh Thị Hoàng Yến, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo, ngày 9/10/2022 trên báo Kronen Zeitung của Áo có đưa tin công ty Vengaz có trụ sở tại Đức và Chi nhánh Spielberg, bang Styria, Áo đã sản xuất thành công phomat chay làm từ hạt điều Việt Nam. Sản phẩm đã được bán tại Slovenia, Italia và Thụy Sỹ, tuy nhiên công ty này cho biết hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam với khoảng cách địa lý khá xa (9.000 km). Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Áo đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, học tập công nghệ sản xuất phomat chay để mở rộng thị trường đầu ra cho hạt điều Việt nam. Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ trong việc kết nối với DN tại nước sở tại.
Mặt khác, Slovenia nằm ở Nam Âu, có cảng Koper là điểm gần nhất vận chuyển đến địa Trung Hải và qua kênh Suez đến Trung Đông. Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Áo đề nghị Hiệp hội Cảng biển Việt Nam nghiên cứu tuyến đường là cửa ngõ vào thị trường EU để vận chuyển hàng hóa từ đường biển vào Áo và Slovenia với giá thành rẻ hơn.
Ông Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng Bộ Công Thương Xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao. Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, phát huy tốt vai trò hệ thống cơ quan thương vụ nước ngoài, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp có thông tin xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu có hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Thanh Tham tán thương mại Việt nam tại Italia DN phải hết sức thận trọng trong việc ký kết hợp đồng với các điều khoản thanh toán, phải sử dụng những phương thức thanh toán an toàn. Thường xuyên liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xác minh tính chính xác các thông tin đối tác, tránh bị lừa đảo. Hiện nay, Thương vụ đang giải quyết rất nhiều vụ việc gian lận của công ty Italia với công ty Việt Nam. Một số hình thức lừa đảo như: Công ty Italia đã đặt cọc cho công ty Việt Nam, nhận hàng từ công ty Việt Nam và sau đó không trả tiền hàng còn lại; công ty Việt Nam đã đặt cọc nhưng công ty Italia không giao hàng... Nhiều vụ việc đã xảy ra rồi, DN Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh công ty Italia. Bà Trần Thu Quỳnh Thương vụ Việt Nam tại Canada Lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần của Canada có hiệu lực từ tháng 12/2022. Với lệnh cấm này, Canada là nước đầu tiên thực thi triệt để kế hoạch loại bỏ rác thải nhựa. Các DN thực phẩm chế biến Canada đang ráo riết thiết kế và tìm nhà cung cấp các loại bao bì thực phẩm bằng nhựa có khả năng tái chế. Các DN bán lẻ khi nhập hàng vào Canada cũng sẽ đặt ra các yêu cầu này với các nhà sản xuất. Đây là điều mà DN Việt cần lưu ý. |
Nhật Linh