Trong báo cáo mới đây về “Con đường tới Australia: Những cơ hội & nhận định về thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam” được phát hành bởi bộ phận nghiên cứu của đại học RMIT, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, có nhận định một thách thức mà nhiều lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam phải đối mặt là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (DN) để tiếp thị hàng hóa và dịch vụ tại quốc gia này.
Không có thương hiệu nên bán với giá thấp
Cũng theo báo cáo này, thị trường Australia vốn đã có nhiều hàng hóa, dịch vụ nội địa và nhập khẩu với những thương hiệu nổi tiếng, được nhóm khách hàng mục tiêu biết đến. Những sản phẩm không có thương hiệu vẫn có chỗ trên thị trường nhưng thường chỉ được bán với giá thấp, và ít hoặc không chiếm được sự trung thành của khách hàng.
“Trong 5 năm vừa qua, thị trường toàn cầu đã biết đến Việt Nam nhiều hơn, nhưng thương hiệu và vị thế giá trị “Sản xuất tại Việt Nam” vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tại Australia”, báo cáo này lưu ý.
![]() |
Xuất khẩu rau quả vào thị trường Australia trong 4 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng hơn 22% so cùng kỳ năm ngoái. |
Cũng theo các chuyên gia của RMIT, hoàn toàn có cơ hội để định hình, xác định và khuếch trương thương hiệu Việt Nam khi người tiêu dùng Australia đang tìm kiếm thêm những nhà cung cấp hàng hóa sản xuất mới. Đây là một yếu tố cần thiết trong xây dựng, duy trì và mở rộng thị phần.
Thực ra, việc xây dựng thương hiệu có thể là một khái niệm đầy thách thức đối với các DN Việt. Và việc xây dựng thương hiệu xuyên biên giới còn có nhiều khó khăn hơn.
Như báo cáo của RMIT ghi nhận cơ quan thương vụ gần đây đã phát triển một nhánh thương hiệu mới cho trái cây và thủy hải sản tươi sống của Việt Nam, bước đầu đã thu được lợi ích cho nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu (XK) nhỏ xuất sang thị trường Australia.
Hoặc như Kymdan, DN xuất khẩu đệm cao su sang Australia, đã xây dựng được thương hiệu, website, và chiến lược marketing với một câu chuyện hiệu quả về DN, áp dụng các tiêu chuẩn của Australia, và được Cơ quan Quản lý và điều hành Bác sĩ Chỉnh xương Australia (Osteopathy Australia) chứng nhận chất lượng.
Ngoài vấn đề về thương hiệu, chia sẻ tại phiên tư vấn XK thực phẩm vào thị trường RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ở tỉnh Bình Dương ngày 8/6, bà Phạm Thị Minh Hà, đại diện thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết thách thức với hàng hoá nông sản thực phẩm của Việt Nam vào thị trường này chính là năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Theo bà Hà, khi hàng hoá nông sản thực phẩm Việt Nam bán vào thị trường Australia, tuỳ theo từng mặt hàng luôn phải cạnh tranh trực tiếp không chỉ với những sản phẩm chất lượng của Australia mà còn phải cạnh tranh với nguồn hàng từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines…
Đừng để nhà thu mua thiếu thông tin
“Trong khi đó, chất lượng sản phẩm của chúng ta qua từng lô hàng lại chưa đồng đều. Đây không chỉ là khó khăn đối với sản phẩm XK chung của Việt Nam khi sang thị trường Australia (vốn có các quy định khắt khe về nhập khẩu) mà còn cho cả thị trường thế giới”, bà Hà nói.
Ngoài ra, theo vị đại diện thương vụ Việt Nam tại Australia, bản thân các DN Việt cũng nên tăng cường quảng bá sản phẩm ngay trên các website của DN. Bởi vì trên thực tế, một số nhà thu mua của Australia phân trần là khi tìm kiếm thông tin sản phẩm của DN Việt trên website lại không thấy nhiều chi tiết và thiếu thông tin bằng tiếng Anh. Chính điều này cũng làm khó cho phía thương vụ khi thu thập thông tin để gửi cho phía đối tác tại Australia đang có nhu cầu.
Giới chuyên gia nhấn mạnh XK của Việt Nam vào thị trường Australia đang được bổ trợ mạnh với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP và FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Tuy nhiên, để kinh doanh hàng hoá lâu dài ở thị trường Australia thì các DN Việt cần đặc biệt lưu tâm đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chẳng hạn như với những sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam như tôm, cá basa đang giữ thị phần rất lớn tại Australia thì đòi hỏi phải duy trì chất lượng ổn định và có hướng để phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu hơn.
Nhất là các DN Việt cần xây dựng chiến lược XK dài hạn (phù hợp nhu cầu, tình hình thực tế thị trường Australia và khả năng tiếp cận của DN). Phía DN cần chủ động giới thiệu sản phẩm, tiến tới tạo lòng tin cho phía đối tác nhằm thiết lập quan hệ rồi sau đó là thực hiện giao dịch kinh doanh.
Hơn thế nữa, các DN Việt khi nhắm đến XK cần cập nhật thường xuyên những quy định của Australia. Điều này đòi hỏi phía DN chủ động theo dõi, trao đổi với nhà nhập khẩu (là những người nắm chính xác các quy định), đơn vị tư vấn luật, phía thương vụ để tránh các vướng mắc phát sinh trong quá trình XK.
Và điều không thể thiếu là việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng Việt tại thị trường Australia. Chẳng hạn như với nông sản thực phẩm Việt thì cần xây dựng hình ảnh tích cực và thân thiện, truyền tải thông điệp về những lợi thế nổi bật của sản phẩm nhằm tăng cường sự hiểu biết và lòng tin của người tiêu dùng nước này. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, thói quen đối với thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Điều này có thể thấy sự chuyển biến từ mặt hàng gạo Việt. Theo nhận định mới đây của Bộ Công Thương, mặt hàng gạo sau các đợt xúc tiến mạnh mẽ hồi năm ngoái như các sự kiện quảng bá, mời dùng thử gạo Việt Nam tại một số bang lớn của Australia, đã tiếp tục tăng trưởng, trong bối cảnh xứ chuột túi giảm nhập khẩu gạo từ thế giới.
Thế Vinh