Xét về ngành tôm Việt, như thông tin mới đưa ra của Vasep, cho đến nay, có hơn 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban Châu Âu chấp thuận với các cuộc thanh tra định kỳ tại Việt Nam.
Ngành thủy sản cần thận trọng
Và để đạt các chứng nhận do các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đưa ra về Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt như BAP, GlobalGAP, ASC thì các trang trại tôm ở Việt Nam phải được xây dựng và vận hành dựa trên các tiêu chí. Đơn cử như tiêu chí về Trách nhiệm xã hội (ví dụ: không sử dụng lao động trẻ em, sức khỏe và sự an toàn của người lao động, tự do hội họp, quan hệ cộng đồng).
Các DN Việt hướng đến xuất khẩu cần có hành động cụ thể hơn nữa về trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để tránh rủi ro mang tiếng xấu. |
Chính vì vậy, trước cáo buộc gần đây của Sustainability Incubator về tình trạng lạm dụng lao động trong ngành tôm Việt, phía Vasep khẳng định là vô căn cứ, gây hiểu lầm và gây tổn hại đến uy tín của ngành xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam.
Vasep cũng đảm bảo rằng các công ty thành viên đang thực hiện các biện pháp thực hành tốt ở cả trang trại và nhà máy chế biến bao gồm các sản phẩm tôm. Bên cạnh đó, hàng năm, các công ty phải được các cơ quan kiểm toán độc lập, quốc tế kiểm tra.
Thực ra, không riêng gì ngành tôm Việt bị cáo buộc một cách vô căn cứ về lạm dụng lao động, một số quốc gia có thế mạnh về XK tôm (như Ấn Độ, Thái Lan,Trung Quốc, Ecuador) cũng từng là tâm điểm của hàng loạt cáo buộc mang tiếng xấu về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, gây tổn hại môi trường…
Điều đáng nói, đằng sau những cáo buộc chưa rõ ràng này trong ngành tôm, đã tác động không nhỏ đến việc tạm dừng mua hàng của các đối tác nhập khẩu trước áp lực chờ xem xét, điều tra kỹ lưỡng, kiểm tra trách nhiệm xã hội đối với nhà cung cấp.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia, qua vấn đề nêu trên cũng cho thấy thế giới đang rất quan tâm và ngày càng giám sát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến lao động, lạm dụng trẻ em trong ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung.
Cho nên, để tránh những rủi ro và nguy cơ mang tiếng xấu có thể xảy ra, các doanh nghiệp (DN) ngành tôm nói riêng cũng như DN thủy sản nói chung của Việt Nam rất cần thận trọng và đặc biệt tuân thủ các quy định về lao động, lao động nghề cá, công ước của Việt Nam cũng như công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Các DN cũng nên chủ động trong vấn đề truyền thông và nắm bắt kịp thời thông tin từ các thị trường nhập khẩu để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.
Riêng ở góc nhìn của một DN trong ngành hàng cá tra, xét về chiến lược truyền thông cho ngành hàng cá tra Việt, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn, lưu ý việc sắp xếp dọn dẹp và trù bị cho những tình huống tiêu cực xảy ra sẽ tăng khả năng chủ động trong việc giải quyết vấn đề thấu đáo, thay vì bị động và loay hoay tìm cách xử lý khi vấn đề bất ngờ xảy ra.
Theo bà Tâm, việc truyền thông chủ động, kể câu chuyện của ngành cá tra Việt Nam với truyền thông trong nước và quốc tế là rất quan trọng, để xây dựng hình ảnh tích cực, mở rộng thị trường, tạo niềm tin, bảo vệ uy tín và thương hiệu, và tạo ra giá trị thêm cho sản phẩm của ngành. Bên cạnh đó, các DN cũng cần tạo cơ sở dữ liệu với bằng chứng đầy đủ, phục vụ cho việc xử lý các vấn đề có thể xảy ra.
Chờ hành động cụ thể hơn nữa
Bên cạnh vấn đề phòng ngừa rủi ro mang tiếng xấu (nhất là về trách nhiệm xã hội và môi trường) cho ngành thủy sản Việt, có thể thấy với hàng Việt XK nói chung cũng rất cần lưu tâm nhiều hơn đến chuyện này. Và cách tốt nhất là các nhà sản xuất trong nước không nên trì hoãn việc đưa các mục tiêu xã hội và môi trường vào chiến lược cốt lõi của mình.
Theo đó, một câu hỏi quan trọng được đặt ra cho các DN Việt hướng đến XK là: Làm thế nào để phía DN có thể cân bằng giữa việc theo đuổi lợi nhuận truyền thống với yêu cầu ngày càng tăng về trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trên thị trường XK?
Theo Phó giáo sư Burkhard Schrage (Đại học RMIT), câu hỏi này phản ánh thay đổi cơ bản trong môi trường kinh doanh. Các bên liên quan, từ nhà đầu tư, đối tác thu mua đến người tiêu dùng, kỳ vọng rằng DN Việt sẽ đóng góp tích cực cho xã hội và môi trường. Họ ngày càng đưa ra yêu cầu chặt chẽ hơn cho DN Việt về việc thực hành ESG.
Cần lưu ý, hồi năm 2023, một cuộc khảo sát do Schneider Electric thực hiện với 500 DN tại Việt Nam cho thấy 99% trong số họ có khát vọng phát triển bền vững, nhưng hơn một nửa vẫn chưa triển khai hành động cụ thể để biến điều này thành hiện thực.
Ông Schrage nhận định các công ty Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa trọng tâm truyền thống là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông với mối quan tâm về ESG đang ngày càng được coi trọng.
Vị chuyên gia của RMIT cho rằng các lãnh đạo DN có tư duy tiến bộ đang hiểu rằng cân nhắc đến ESG không chỉ là mệnh lệnh đạo đức mà còn là chiến lược kinh doanh thông minh. Như một nghiên cứu của McKinsey cho thấy DN có hồ sơ tích cực về các vấn đề ESG đạt được kết quả tài chính tốt hơn, chẳng hạn như định giá DN cao hơn 10% so với các DN có hồ sơ tiêu cực.
Do đó, theo ông Schrage, những DN Việt nào có kết quả ESG tốt thường sẽ nâng cao được danh tiếng thương hiệu, thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao, cũng như tiếp cận được các thị trường mới. Những yếu tố này có thể góp phần vào thành công tài chính dài hạn và tăng trưởng bền vững.
Xét chung, để tránh được rủi ro mang tiếng xấu trên thị trường XK, điều mà các DN Việt cần làm là nên có hành động cụ thể hơn nữa về ESG, làm sao để cân bằng giữa lợi nhuận và các mục tiêu xã hội, cũng như có chiến lược truyền thông chủ động và xây dựng các kịch bản phù hợp nhằm kịp thời xử lý những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.
Thế Vinh