Xuất khẩu (XK) mật ong sang thị trường Mỹ đang suôn sẻ, cạnh tranh rất tốt thì thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với mật ong của Việt Nam khiến các doanh nghiệp (DN) không khỏi sốc. Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong quý I/2021, XK mật ong sang thị trường Mỹ chiếm tới 93,3% tổng lượng XK của toàn ngành.
Mật ong "hết ngọt" ở Mỹ
Trong diễn biến mới nhất, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, biên độ bán phá giá do DOC ước tính với mật ong Việt Nam trong khoảng 47,56% - 138,23%. Đây là một mức thuế rất cao và nếu bị áp mức thuế này, mật ong Việt Nam khó có thể có cửa XK sang Mỹ.
Mật ong Việt Nam đang bị điều tra chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. |
Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra biện pháp phòng vệ thương mại và là vụ việc điều tra thứ ba trên thế giới sau vụ việc Mỹ điều tra CBPG đối với mật ong Trung Quốc và vụ việc Mỹ điều tra CBPG và chống trợ cấp đối với mật ong Argentina năm 2001.
Vấn đề đặt ra với các nhà XK Việt Nam là làm thế nào để hạn chế mức thuế bị áp và có thể hưởng mức thuế suất riêng rẽ (không giống như các bị đơn không hợp tác). Bộ Công Thương khuyến cáo: Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/XK mật ong nên hợp tác với DOC trả lời Bản câu hỏi về lượng và giá (Q&V). Việc chậm nộp so với thời hạn quy định hầu như không được DOC chấp nhận trong mọi trường hợp.
Mặt khác, DN phải thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế CBPG cao nhất.
Theo ông Mai Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nuôi ong Đồng Nai, trước đây khoảng 90% mật ong của tỉnh này được XK thô sang Mỹ và EU. Nhưng những năm vừa qua, cả DN XK lẫn người nuôi ong đều gặp khó khăn do phải đối mặt với các vụ liên liên quan đến tồn dư kháng sinh, kiện CBPG.
Trao đổi với VnBusiness, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang chuẩn bị hồ sơ để chứng minh mật ong của Việt Nam không bán phá giá. Song, ông cũng không giấu được nỗi lo, bởi một khi đã bị kiện CBPG thì khả năng "trắng án" là rất khó. Hơn nữa, ngành ong mật Việt Nam khá nhỏ bé so với các ngành nông nghiệp khác nhưng vẫn có tới gần 40.000 hộ gia đình sinh sống bằng nghề nuôi ong với hàng trăm công ty chế biến và kinh doanh, XK.
"Mật ong Việt Nam đã XK sang Mỹ với khoảng thời gian 30 năm, sản phẩm cạnh tranh khá tốt. Vì vậy, thông tin Mỹ điều tra CBPG là rất sốc với các DN XK mật ong. Nếu điều này xảy ra, mật ong Việt Nam sẽ hết cửa vào Mỹ", ông Tâm chia sẻ.
Doanh nghiệp nhỏ chớ thờ ơ
Hơn nữa, đây là lần đầu tiên ngành mật ong đứng trước nguy cơ một vụ kiện CBPG. DN nhỏ không có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là không có điều kiện tài chính dồi dào như các DN lớn, nên sẽ rất khó khăn nếu lâm vào một vụ kiện CBPG của Mỹ.
Vì vậy, vấn đề làm thế nào để "minh oan" cho mật ong ở thị trường Mỹ cũng được nêu ra trong nhiều cuộc họp của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương thời gian gần đây. Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, việc Mỹ kiện CBPG với mật ong Việt Nam là vấn đề mới, thách thức mới. "Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại theo dõi sát tình hình, hỗ trợ vụ kiện. Tất nhiên, việc này không chỉ có Bộ Công Thương hay Bộ NN&PTNT, mà các DN, hiệp hội, ngành hàng cũng phải lên tiếng. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới có dữ liệu để đấu tranh, đàm phán với các đối tác", ông Chinh chia sẻ.
Đáng lo ngại, không chỉ mật ong mà thời gian gần đây, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam cũng thường xuyên đối mặt với các vụ kiện ở các thị trường lớn trên thế giới. Đơn cử như, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ vừa thông báo khởi xướng điều tra CBPG đối với một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ chưa cung cấp chi tiết biên độ bán phá giá cáo buộc đối với từng sản phẩm pin năng lượng mặt trời thuộc các mã HS 8541.40.11; 8541.10.12. Tuy nhiên, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho rằng sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có biên độ bán phá giá cao, vượt ngưỡng tối thiểu (tức trên 2%).
Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, các sản phẩm XK của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đã và đang phải đối mặt với tổng cộng 201 vụ việc phòng vệ thương mại. Trong năm 2020, số lượng các vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2019. Theo đó, trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận 39 vụ việc khởi xướng điều tra mới (trong khi năm 2019 chỉ có 16 vụ việc điều tra).
Vì vậy, TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng: "Khi vào "sân chơi" FTA, hàng Việt cần tăng cường khả năng xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại, bằng không chúng ta sẽ bị thua cuộc. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói pháp luật về phòng vệ thương mại đến nay chỉ có DN lớn, đã từng kinh qua nhiều vụ kiện mới hệ thống được. Đa số DN nhỏ và vừa còn xem nhẹ bị kiện phòng vệ, thậm chí coi như việc của ai chứ không phải của mình".
Để chủ động, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; chương trình xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại…
Đồng thời, tiếp tục bám sát, cập nhật thông tin, diễn biến liên quan tới các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế CBPG đối với sản phẩm XK của Việt Nam, thông tin về các diễn biến các vụ việc cho ngành sản xuất trong nước và các cơ quan truyền thông biết thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) DN sản xuất, XK Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược XK để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các DN cần thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường XK, qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài. Ông Lê Triệu Dũng Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) nhiều vụ việc... Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều DN chỉ bị áp mức thuế rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng XK, đặc biệt sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada... Điều quan trọng là DN cần phải chủ động, hợp tác với Bộ Công Thương trong việc theo đuổi các vụ kiện. Ông Đỗ Xuân Lập Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra ngành gỗ của Việt Nam dựa trên cáo buộc Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiệt đới bất hợp pháp sử dụng cho tiêu dùng nội địa, một phần được đưa vào XK. Chính phủ Mỹ chưa đưa ra kết luận cuối cùng về điều tra này. Thị trường Mỹ hiện tại chiếm trên 60% tổng kim ngạch XK của toàn ngành. Nếu Chính phủ Mỹ ra lệnh trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam, toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mục tiêu XK mà Chính phủ đề ra chắc chắn không thể đạt được. |
Lê Thúy