Trong tháng 11 này, theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), phía Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam dựa trên cơ sở đơn đề nghị điều tra vào tháng 10/2022 của ngành sản xuất nội địa Mỹ.
Thách thức không hề đơn giản
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp (DN), Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị DN sản xuất, xuất khẩu (XK) sản phẩm liên quan cần chủ động xác định chiến lược kháng kiện phù hợp, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK. Hợp tác đầy đủ với DOC trong suốt quá trình diễn ra vụ việc.
“Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất cho DN”, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.
Việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ đối với hàng hóa của Việt Nam là một thách thức không hề đơn giản. |
Chia sẻ tại Diễn đàn thương mại Việt - Mỹ 2022 tổ chức ở Tp.HCM ngày 17/11, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho rằng Mỹ là thị trường đã mở nhiều cuộc điều tra về phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp với nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trung, phía Mỹ có hệ thống pháp luật rất chặt chẽ về việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại. Và biện pháp này thông thường đối với những thị trường, những quốc gia mà có lượng hàng hoá XK vào Mỹ nhiều thì sẽ thường xuyên gặp phải. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia mà hiện giờ có trao đổi thương mại với Mỹ rất lớn.
“Trong tương lai, các DN Việt cũng sẽ gặp những rủi ro, thách thức đó trong việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại từ phía Mỹ. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để vượt qua những thách thức đó nhằm giữ vững quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững”, ông Trung nói.
Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, tính đến hết tháng 9/2022, XK của Việt Nam sang Mỹ đạt 98,6 tỷ USD (chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu của Mỹ, tăng 33,6% so cùng kỳ năm ngoái). Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 89,7 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ (sau Trung Quốc và Mexico).
Trong đó, các mặt hàng XK có tốc độ mạnh phải kể đến: Máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình (34,5 tỷ USD, tăng 51,7%); sắt và thép (983 triệu USD, tăng 154,6%); thuỷ sản (1,15 tỷ USD, tăng 50,9%); gỗ và sản phẩm gỗ (937 triệu USD, tăng 47,3%); nhựa và sản phẩm nhựa (2,1 tỷ USD, tăng 43,8%); đồ chơi game và dụng cụ thể thao (2,5 tỷ USD, tăng 51,8%).
Mối nguy “mượn đường”, “mượn xuất xứ”
Trong khi đó, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan của Việt Nam có chênh lệch đôi chút. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2022, Việt Nam XK sang Mỹ đạt 85,2 tỷ USD (tăng 23,7% so cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 30,2% tổng kim ngạch XK). Nhập khẩu từ Mỹ là 11,1 tỷ USD (giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 4,02% tổng kim ngạch nhập khẩu). Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 74,01 tỷ USD (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021).
Khi nói về quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ, bên cạnh việc đánh giá Mỹ là thị trường XK lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý về những thách thức đặt ra với Việt Nam cũng không hề đơn giản. Đó là việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ đối với hàng hóa của Việt Nam.
Không chỉ vậy, theo ông Hải, do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, dẫn đến việc phải sử dụng nước thứ ba để đánh giá mức độ thiệt hại, gây thiệt thòi rất lớn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Về xu hướng điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại từ phía Mỹ trong thời gian gần đây, ông Chu Thắng Trung cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, trong đó có 22 vụ việc chống bán phá giá, 19 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và một số vụ việc về tự vệ, trợ cấp.
“Xu hướng trong thời gian gần đây mà chúng tôi nhận thấy đó là không chỉ phía Mỹ điều tra chống bán phá giá. Như trong năm 2022, Mỹ đã điều tra 11 vụ việc đối với hàng hoá Việt Nam thì trong đó chỉ có 1 vụ việc chống bán phá giá mới, còn 10 vụ việc lại liên quan đến chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Tức là có những cáo buộc cho rằng hàng hoá XK của Việt Nam trên thực tế là hàng hoá của một quốc gia thứ ba đã bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Trung chia sẻ.
Điều này nghĩa là những hàng hoá từ quốc gia thứ ba khi vào Việt Nam không có hàm lượng giá trị tăng thêm đáng kể trước khi xuất sang Mỹ, hiểu nôm na là “mượn đường”, “mượn xuất xứ”, “đội lốt” hàng của Việt Nam, từ đó lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đã áp dụng với hàng hoá của nước thứ ba.
Từ những vấn đề nêu trên, ông Chu Thắng Trung khuyến nghị các DN cần cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, XK vào thị trường Mỹ. Đặc biệt là cần tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá, tăng tỷ lệ nội địa hoá, giá trị gia tăng tại Việt Nam.
Thế Vinh