Ông Đăng, chủ một doanh nghiệp (DN) chuyên gia công cơ khí ở tỉnh Đồng Nai cho biết, nguồn nguyên liệu chính của công ty phải nhập khẩu, nhưng giá hiện đang tăng đến 40% so với giữa năm ngoái. Điều này làm cho giá thành sản phẩm của công ty tăng lên đáng kể, dẫn đến khó khăn đầu ra.
Giá thành sản xuất tăng
Theo ông Đăng, với các hợp đồng gia công đã ký trước đó, chưa tính hết mức độ tăng giá nguyên liệu thì xem như công ty chấp nhận lỗ. Còn với mức giá sản phẩm mới mà công ty đưa ra đang khá cao so với mức giá cũ, nhiều đối tác tỏ ra chần chừ, chưa vội ký hợp đồng.
![]() |
Giá thành sản phẩm tăng cao, lại đối mặt “phí chồng phí” đang ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các DN Việt. |
Trong khi đó, tại Bình Dương, một số chủ DN chế biến gỗ chia sẻ, giá nguyên liệu đang tăng lên rất cao buộc DN phải cơ cấu lại hệ thống quản trị, tiết kiệm chi phí, linh hoạt phân bổ khấu hao. Song song đó, DN cũng phải đàm phán lại hợp đồng với đối tác để bảo đảm sản xuất không bị lỗ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, một trong những nguyên nhân chính khiến các DN Việt khó có thể nâng cao sức cạnh tranh là mức chi phí cao của logistics.
Trên thực tế, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu (XK) theo dạng FOB (không phải chịu cước vận tải), nhưng hầu như các DN Việt Nam phải chia sẻ chi phí này.
Đặc biệt, với mặt hàng gỗ thì tiền cước vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn. Không chỉ các DN XK gỗ đối mặt tình trạng căng thẳng thuê container rỗng, ngay cả các DN chế biến gỗ cho thị trường nội địa cũng gặp áp lực chi phí vận hành đang tăng cao, mà một phần nguyên nhân đến từ chi phí logistics khá nặng.
Còn ở lĩnh vực chăn nuôi, nhiều DN, người chăn nuôi trong nước đang tỏ ra lo lắng khi nửa đầu tháng 5, một loạt công ty như C.P, Cargill, ADM, Vina, BB Sun Việt Nam, ABC Việt Nam… đã có thông báo chính thức gửi đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi.
Theo ước tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình 6-7 đợt.
Với mức độ tăng giá như vậy, chuyện thua lỗ của người chăn nuôi nhỏ lẻ đã thấy rõ, còn khả năng cạnh tranh của các DN chăn nuôi ở trong nước cũng là dấu hỏi lớn khi giá thành sản phẩm chăn nuôi tăng theo.
Trong lúc này, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các DN chăn nuôi cần tiết kiệm nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất, đồng thời tận dụng nguyên liệu sẵn có ở trong nước khi việc nhập khẩu gặp khó.
Bất cập “phí chồng phí”
Với ngành thuỷ sản, ngoài chuyện giá thức ăn chăn nuôi gia tăng thì việc giá con giống tăng và giá vận chuyển hàng hoá tăng chóng mặt cũng đang là thách thức lớn đối với DN.
Theo một số chủ DN trong ngành hàng cá tra, giá bán sẽ không thể được cải thiện khi chi phí sản xuất lớn như giá thức ăn chăn nuôi đang tăng, giá cá tra giống tăng do nguồn cung giảm, cùng các chi phí điện, nước, thậm chí cả giá găng tay cũng tăng.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh cho cá tra trên thị trường XK. Giới chuyên gia nhận định, EU là một trong những thị trường chính của cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay giá cả không còn là lợi thế của cá tra so với các sản phẩm cá thịt trắng khác nữa do chi phí đầu vào lớn.
Ngoài ra, tình trạng “phí chồng phí” cũng là hạn chế lớn cho sức cạnh tranh ở ngành hàng thuỷ sản như hiện nay.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đã gửi công văn kiến nghị Bộ Tư pháp báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với chính quyền Tp.HCM để xem xét không thu một số loại phí có tính “phí chồng phí” trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ít nhất là cho đến hết 31/12/2021.
Theo phản ánh từ Vasep, các DN phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT,... Chỉ tính riêng phí BOT, hiện DN đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.
Đơn cử như từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (Tp.HCM) hiện tại đã có tới 7 trạm thu phí BOT. Với mỗi container, phía DN thuỷ sản phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về, tổng mức đóng phí qua 1 trạm là 360.000 đồng/container. Như vậy, với 1 container hàng, DN hiện đã trả thêm phí cầu đường hơn 2,5 triệu đồng.
Và nếu phải gánh thêm khoản tăng phí mới về hạ tầng cảng biển ở Tp.HCM (có hiệu lực từ 1/7/2021), các DN thuỷ sản từ Khánh Hoà sẽ trả thêm khoản chi phí lớn cho mỗi container.
Điều đáng nói là hiện nay có hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của Tp.HCM. Vì vậy, việc tăng phí hạ tầng cảng biển được cho là sẽ làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các DN thủy sản.
“Trong khi đó, hiện tại các cảng biển đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng, như phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container... Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của DN, giảm năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh DN hiện gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế xảy ra bởi dịch bệnh Covid-19”, chuyên gia của Vasep lưu ý.
Thế Vinh