Theo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2014- 2015, ngành hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng ổn định nhưng chủ yếu đến từ việc tăng giá. Thị trường Việt Nam hiện tại có những sự tăng trưởng rất khác nhau giữa các nhóm sản phẩm tiêu dùng nhanh chính như: đồ uống, thực phẩm, sữa, thuốc lá,…
Hàng tiêu dùng nhanh nội địa đang đối mặt cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại
Đối mặt cạnh tranh gay gắt
Nhóm hàng đồ uống tiếp tục có mức tăng trưởng tốt với 38% trong tổng doanh số bán hàng của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh và đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức 6,7%. Sự phát triển này chủ yếu đến từ bia, nước uống tăng lực và nước uống giải khát. Sữa và các sản phẩm từ sữa tăng trưởng 12% ở thành thị và 20% ở nông thôn.
Trái lại, thị trường tiêu thụ cho các nhóm sản phẩm còn lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các mặt hàng chăm sóc gia đình như bột giặt, thực phẩm đóng gói,…
Ghi nhận qua thực tế trong thời gian qua cho thấy tỷ lệ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố chính của Việt Nam (Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) dường như bị bão hòa.
Trong khi đó, thị trường nông thôn nổi lên như là một nguồn tăng trưởng mới, vốn chiếm 68% của 90 triệu dân cả nước và hiện chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến nông thôn.
Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nhẹ, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở thị trường nông thôn tốt hơn so với thành thị trong giai đoạn 2014 – 2015. Trong khi thành thị chỉ đạt mức tăng trưởng vào khoảng 1,6%, thì thị trường nông thôn phát triển ở mức 2,7%, chủ yếu do tăng trưởng khối lượng tiêu thụ.
Các nhóm sản phẩm chính vẫn đang gặp nhiều thách thức trong 6 thành phố trọng điểm, phần lớn nhóm sản phẩm chính này đang có tốc độ tăng trưởng tích cực ở thị trường nông thôn, cho thấy cơ hội rất lớn cho các nhà sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ.
Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng các sản phẩm trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp trong việc xúc tiến mở rộng thị trường nội địa.
Theo giới phân tích thị trường hàng tiêu dùng nhanh, thị trường chưa có sự kiểm soát, phối hợp đồng bộ và thanh tra chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhập lậu, hàng trôi nổi, hàng nhái,…
Chính điều này đã làm mất uy tín doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn trong phát triển thương hiệu và trì trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cản trở tâm lý người tiêu dùng trong việc tin dùng hàng nội địa.
Cần trợ giúp
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng gói, cho biết hạn chế của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh nội địa là năng lực chế biến, sản xuất còn thô sơ, hoạt động phân tán, năng lực tài chính yếu. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp có điều kiện vệ sinh kém, chất lượng đầu vào thấp, nguồn gốc xuất xứ chưa rõ ràng…
Ngoài ra, các doanh nghiệp nội địa vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, còn sản phẩm thì chưa đạt tiêu chuẩn như công bố trên bao bì làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Điều đó làm sự phát triển của ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh nội địa vẫn chưa cao và chưa đạt được những bước đột phá phù hợp với tốc độ tăng trưởng và hội nhập của nền kinh tế. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp tiêu dùng nhanh Việt Nam vẫn đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu chưa được biết đến nhiều trên thị trường khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, do đặc thù ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh có số lượng doanh nghiệp tham gia khá đông so với các ngành kinh tế khác, nên các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường xuyên diễn ra, làm mất ổn định thị trường và niềm tin đối với người tiêu dùng.
Trước thực tế trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần coi đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối là yêu cầu của sự phát triển, là một chính sách kích cầu để có cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh nội địa. Trong đó, cần hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt có chất lượng cao và uy tín trong nước để thực hiện các hoạt động mở rộng hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại.
Qua thăm dò từ phía các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh nội địa hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp này đều mong muốn có những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp. Nhất là việc quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường, ứng dụng khoa học đổi mới công nghệ…
Tuy nhiên, ngay bản thân các doanh nghiệp nội cũng cần nâng cao chất lượng, năng lực chế biến đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cần giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Thế Vinh