Ngày 14/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin về việc một số doanh nghiệp tố có nhóm lợi ích trong xuất khẩu gạo.
Ảnh minh hoạ: Internet |
Ngay sau khi Tổng cục Hải quan công bố thông tin "đóng cửa" hạn ngạch xuất khẩu gạo vì hết "quota", nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng có sự bất thường khi hải quan mở tờ khai vào lúc 0 giờ và không ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang làm dở dang để hàng tồn nằm phơi ngoài cảng.
Giải thích cho nghi ngờ này, ông Cẩn cho hay hệ thống thông quan điện tử hoạt động 24/7, tức là không có ngày nghỉ và không có giờ nghỉ, doanh nghiệp có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Hệ thống này đã hoạt động mấy năm nay.
Với câu hỏi: Hải quan mở tờ khai lúc 0 giờ, thì chỉ những doanh nghiệp nào được "phím" thông tin trước mới biết được? Ông Cẩn khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó: “Chính phủ họp và Bộ Công Thương có quyết định cho xuất khẩu trở lại, thông tin này đã được báo chí truyền tải tức thì, rộng rãi. Tổng cục Hải quan cũng mở hệ thống tự động từ 0 giờ ngày 12/4, doanh nghiệp làm xuất khẩu nhiều rồi đều biết khai báo 24/7, không kể 0h sáng. Việc các doanh nghiệp nói không nắm được thông tin là do họ bị động, không phải do Hải quan”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết thêm, trước đó Tổng cục Hải quan đã kiến nghị sau khi xuất khẩu, đảm bảo cân đối an ninh lương thực cần đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu, đồng thời khống chế số lượng xuất khẩu cho một doanh nghiệp nhằm đảm bảo công bằng. "Tiếc thay, Bộ Công Thương không nghe kiến nghị này", ông nói.
Trong số 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo thành công vừa được Tổng cục Hải quan công bố có nhiều "đại gia" trúng với số lượng lớn. Đứng đầu là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn; Tiếp đến là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) 38.350 tấn, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đăng ký thành công với số lượng từ 11.000-20.000 tấn như: Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Công ty CP Hiệp Lợi, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Lương thực Bình Định, Công ty CP Mỹ Trường…
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết có 10 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho đơn vị này nhưng đã đơn phương hủy hợp đồng với tổng số lượng gạo lên tới 160.300 tấn. Bao gồm: Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh; Công ty CP Lương thực Cao Lạng; Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (2 gói thầu); Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Mỹ Tường; Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (huyện Lý Nhân, Hà Nam); Công ty CP Thương mại Minh Khai (Hải Phòng); Công ty TNHH Thương mại Chương Tho (Thái Bình); Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (Hà Nam). Với việc hủy thầu, các doanh nghiệp này phải nộp lại số tố tiền thu bảo lãnh dự thầu theo Luật Đấu thầu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hủy các hồ sơ thầu không thực hiện. Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết do các doanh nghiệp đơn phương hủy hợp đồng bán gạo nên đến nay, cơ quan này mới ký hợp đồng mua gạo với số lượng là 7.700 tấn gạo (đạt 4% mục tiêu 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao). Do đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tổ chức đấu giá lại trong thời gian tới. |
Thanh Hoa