Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần 2 cho người dân bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, với đối tượng được hưởng thụ chính sách rộng hơn lần 1.
Nội dung đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.
Theo đề xuất về gói hỗ trợ lần 2, các HTX được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm (Ảnh: Internet) |
Theo đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), HTX và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn, được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo).
Mức vay tối đa đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, còn với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 - 1/9/2021. Bộ LĐ-TB&XH ước tính, kinh phí cho vay của chương trình này là 15.000 tỷ đồng.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi cho lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 - 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Thủ tướng xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, giảm lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo (3,96%/năm; hiện nay lãi suất cho vay là 7,92%/năm). Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1/9/2020 - 1/9/2021.
Trước đó, hồi cuối tháng 4, trên cơ sở đề xuất của các bộ ngành, Chính phủ cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 10/8, có gần 16 triệu người được thụ hưởng chính sách này, với tổng kinh phí trên 17,5 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước trung ương thực hiện giải ngân 11.982 tỷ đồng, để hỗ trợ cho trên 12 triệu người và 13.725 hộ kinh doanh.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đánh giá, về căn bản, các địa phương hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng.
Đối với những vướng mắc và đề xuất kiến nghị của các địa phương, ngày 31/7/2020 Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với chính sách hỗ trợ cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chỉnh các điều kiện đối với chính sách cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Đ.N