Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết thời gian tới sẽ có một kế hoạch hỗ trợ cho 20.000 doanh nghiệp (DN) ở thành phố có hoạt động xuất khẩu (XK), đặc biệt là XK sang thị trường EU nhằm tận dụng tốt EVFTA.
Tháo gỡ sớm các rào cản
Tại buổi đối thoại giữa UBND Tp.HCM và Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 28/7 xoay quanh các vấn đề về cơ sở hạ tầng, hải quan và thuận lợi thương mại, phát triển bền vững các ngành công nghiệp, tiêu dùng, y tế..., ông Phong khẳng định các rào cản, vướng mắc đối với DN Việt Nam và EU trong việc tận dụng EVFTA rất cần tháo gỡ sớm.
Các khúc mắc của DN cần được tháo gỡ sớm để tận dụng tốt EVFTA |
“Trong thẩm quyền của UBND Tp.HCM thì chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết ngay những vấn đề mà các DN phản ánh. Với những khúc mắc từ DN thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành ở Trung ương thì chúng tôi sẽ tập hợp lại và sớm có kiến nghị”, ông Phong nói.
Đơn cử như việc đại diện EuroCham mong muốn lãnh đạo UBND Tp.HCM thông tin thêm về vấn đề nhập cảnh đối với người nước ngoài trước đại dịch CovidD-19 diễn biến phức tạp, nhất là các DN EU tại thành phố có nhiều nhu cầu nhập cảnh chuyên gia trong thời gian này.
Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã có hướng giải quyết vấn đề này nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi trong việc giải quyết nhập cảnh cho các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao, nhà quản lý DN, nhà đầu tư.
Và sắp tới Tp.HCM sẽ hình thành Tổ điều phối (hay Văn phòng điều phối), gồm: Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Y tế, Bộ phận xuất nhập cảnh, Sở Du lịch và Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung vào một đầu mối để giải quyết nhanh những vấn đề đặt ra đối với các chuyên gia, các nhà quản lý DN, nhà đầu tư EU vào Tp.HCM làm việc.
Buổi đối thoại này được kết hợp với lễ ra mắt Sách Trắng EuroCham phiên bản lần thứ 12 (bản báo cáo thường niên tổng hợp các vấn đề và khuyến nghị về thương mại và đầu tư của EuroCham) nhằm giúp cải thiện môi trường kinh doanh trong các ngành công nghiệp và tăng cường thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch phụ trách về chính sách của EuroCham, nhận định môi trường kinh doanh tại Tp.HCM đang cải thiện rất hiệu quả. Với 80% DN thành viên của Euro hoạt động rất tốt tại thành phố thì đây chính là yếu tố quan trọng cho thấy những chuyển biến tích cực này.
Lo vướng sở hữu trí tuệ
Về phía các DN Việt Nam, để tận dụng tốt EVFTA, theo ông Jean-Jacques, điều quan trọng là họ cần đáp ứng các yêu cầu cao đối với thị trường EU. Nhất là các mặt hàng cần phải được những tiêu chuẩn đòi hỏi cao của EU. Ngoài ra, các DN Việt cần phải phát triển khả năng kết nối với thị trường EU, đặc biệt là với kênh phân phối - đây là khó khăn mà họ đang gặp phải.
Còn theo ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Pháp tại Tp.HCM: “Qua tiếp xúc với các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam thì tôi thấy rằng họ rất hào hứng với EVFTA nhưng có vẻ như họ chưa sẵn sàng để tận dụng Hiệp định. Điều đó đòi hỏi cần có sự phổ biến rộng rãi hơn để họ sẵn sàng nắm bắt cơ hội này”.
Sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng là vấn đề mà các DN châu Âu lưu tâm tại buổi đối thoại lần này ở Tp.HCM. Trong phản ánh của EuroCham liên quan đến vấn đề sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, có nêu rõ: Tại Điều 12.35.1 EVFTA quy định “...kiểu dáng là hình dáng của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc của bộ phận có thể tách rời và/hoặc không thể tách rời của sản phẩm. Điều này có nghĩa là bộ phận không thể tách rời của sản phẩm cũng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp.
Thế nhưng, ở Điều 4.13 của Luật SHTT đưa ra định nghĩa về kiểu dáng công nghiệp, tuy nhiên không đề cập đến bộ phận của sản phẩm.
Ở một số thông tư có quy định: Sản phẩm được hiểu là “...hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó,... có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập,...”.
Trong đó, các phần sản phẩm “không thể tách rời ra khỏi sản phẩm hoặc chỉ có thể tách rời ra khỏi sản phẩm bằng cách phá hủy sản phẩm và không có phần tương tự được sản xuất để thay thế” được coi là không thể lưu thông độc lập (được hướng dẫn bởi Quy chế thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của Cục SHTT).
Theo EuroCham: “Điều này có nghĩa là quy định hiện hành đang trái với EVFTA. Luật sửa đổi không đề cập đến vấn đề này”.
Giới chuyên gia cũng tỏ ra quan ngại do quy định về khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp riêng phần của luật SHTT Việt Nam trái với EVFTA, Luật SHTT cần được sửa đổi trên cơ sở xem xét lại Điều 18.55 Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng phù hợp với EVFTA.
EuroCham lưu ý: Việc thiếu giải thích về hiểu biết thông thường gây khó khăn cho quá trình thẩm định đơn giải pháp hữu ích cũng như gây tranh cãi trong các thủ tục khác như hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hay phản đối đơn dựa trên các tiêu chuẩn bảo hộ.
Thế Vinh