Báo cáo tài chính quý II/2022 mới công bố của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong mảng xuất khẩu (XK) thuỷ sản là CTCP Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho thấy giá trị hàng tồn kho đã đạt đến hơn 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 540 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương ứng tăng 13%, chủ yếu do thành phẩm tăng).
Sức mua giảm, tồn kho tăng
Ngoài ra, nợ phải trả của DN này vào cuối kỳ là hơn 5.612 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là hơn 5.420 tỷ đồng), tăng gần 1.600 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay.
Trong đó, nợ vay của Minh Phú đạt 4.148 tỷ đồng, chiếm 73% tổng số nợ. Đáng chú ý là vay ngắn hạn trong nửa đầu năm nay từ các ngân hàng của Minh Phú tăng 26%, đạt 4.099 tỷ đồng. Các ngân hàng có chi nhánh ở Cà Mau là chủ nợ có thể kể đến như VietinBank, Vietcombank, BIDV.
Điều mong mỏi của các DN dệt may là sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để DN đỡ khó khăn. |
Trường hợp tăng tồn kho và tăng nợ vay của các DN lớn trong mảng XK thuỷ sản như Minh Phú không phải là hiếm. Đơn cử như CTCP Vĩnh Hoàn có lượng hàng tồn kho nửa đầu năm nay là hơn 2.900 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm.
Không chỉ vậy, nợ phải trả của Vĩnh Hoàn tính đến hết quý II/2022 đạt đến hơn 4.141 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay. Ngay cả một số hàng tồn kho đã được dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng. Chẳng hạn hồi cuối tháng 6/2022, hàng hoá trong kho có giá trị 4 triệu USD được DN này dùng làm tài sản thế chấp cho hợp đồng tín dụng được cấp bởi Ngân hàng ANZ - chi nhánh Tp.HCM.
Trong khi đó, về nguy cơ tồn kho của DN thuỷ sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lý giải lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10/2022. Nghĩa là DN sẽ tồn kho!
Chẳng hạn như trước áp lực lạm phát, giá thủy sản tại Nhật Bản liên tục tăng trong thời gian qua. Hơn nữa, đồng Yên mất giá, rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm, càng làm cho người dân Nhật phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu, do vậy XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường này cũng khó có những đột phá đáng kể từ nay đến cuối năm.
Hay như EU cũng là thị trường đang có mức lạm phát cao. Chuyên gia của VASEP cho rằng, lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế khu vực Eurozone, tác động giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy, những mặt hàng thuỷ hải sản giá cao sẽ nằm trong danh sách mà người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán trong các tháng còn lại của năm 2022.
Ông Nguyễn Hoài Nam lưu ý, tình trạng này diễn ra giữa lúc tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8/2022. Một khi bị tồn kho vì thiếu đơn hàng thì các DN sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng. Trong khi đó, nếu không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân.
Khó khăn về mặt XK của các DN thuỷ sản là vậy, các DN trong ngành dệt may cũng không khá gì hơn. Như chia sẻ của ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU…làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may, giảm đáng kể.
“Điều này ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các DN dệt may từ nay đến cuối năm 2022, nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng”, ông Cẩm nói.
Nên có cơ chế cho vay linh động
Cũng theo Phó chủ tịch Vitas, từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của của nhiều quốc gia trong khu vực mất giá khá mạnh so với USD, ví dụ Nhân dân tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc: 4,7%; Đài tệ: 6%; Bath Thái: 3,4% và Yên Nhật mất giá gần 16%, trong khi VND chỉ mất giá 1,8% gây bất lợi cho các DN xuất khẩu.
Ông Cẩm cho biết, điều mong mỏi của các DN dệt may là gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 sớm được triển khai để DN đỡ khó khăn. Hơn nữa, cần sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi DN và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người lao động nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng.
Khó khăn về mặt vốn vay của DN trong ngành dệt may được cho là đang nằm nhiều nhất ở các DN làm hàng FOB (mua đứt - bán đoạn, các DN sẽ phải chủ động từ khâu mua nguyên liệu cho đến khi làm ra được sản phẩm cuối cùng) phải lo vốn để nhập nguyên liệu.
Với ngành dệt may, theo giới chuyên gia, nếu không gỡ khó về vốn vay sẽ là thách thức cho việc hoàn thành mục tiêu XK của năm nay. Trong khi đó, các DN dệt may phản ánh để phục vụ cho các đơn hàng vào cuối năm thì họ cần có vốn để nhập nguyên liệu.
Điều đáng nói, ngoài khó khăn về mặt vốn vay ưu đãi, lãnh đạo Vitas phản ánh có tình trạng cán bộ lãnh đạo DN trong ngành nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn khủng bố đòi nợ, do công nhân của DN vay tín dụng đen, và họ mong các cơ quan chức năng vào cuộc để chấm dứt tình trạng này.
VASEP cách đây không lâu có gửi công văn đến Bộ Công an về việc các cá nhân (được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân) quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ lãnh đạo nhiều DN thủy sản.
Nguyên do là vì người lao động rơi vào “bẫy” tín dụng đen dẫn đến nợ nần hoặc chậm trả, gây ra áp lực đòi nợ, đe dọa tới không chỉ người lao động đó, các người thân, bạn bè mà ảnh hưởng tới lãnh đạo các DN nơi người lao động làm việc.
Từ đó để thấy, điều mong mỏi ở ngành dệt may hay thuỷ sản là không chỉ bản thân người lao động mà là các DN cần tránh rơi vào “bẫy” tín dụng đen và nên được tiếp sức kịp thời, cấp thiết từ nguồn vốn của các tổ chức tài chính chính thống.
Hơn nữa, nhiều DN phản ánh để vay vốn ưu đãi không hề dễ dàng, có rất nhiều yêu cầu về thủ tục giấy tờ, điều kiện và ràng buộc mới có thể tiếp cận các gói hỗ trợ đã được ban hành.
Cho nên, nhiều DN thuỷ sản và dệt may mong muốn các ngân hàng nên có cơ chế linh động, phù hợp hơn nhằm giúp họ dễ dàng tiếp cận được với chính sách hỗ trợ về vốn vay vào thời điểm đầy thách thức này.
Thế Vinh