![]() |
Ảnh minh hoạ |
Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cần sớm ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra. Bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và KTNN,
Theo ông Hải, các quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.
Dẫn ví dụ về sự chồng chéo, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua kiểm toán định kiểm toán thiết bị y tế và thuốc trong lĩnh vự y tế, nhưng vì vấn đề này đã có trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên kiểm toán xin rút, và không kiểm toán nữa.
Nhấn mạnh, đại diện KTNN cho rằng KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp và những nội dung đề xuất trong dự thảo luật đã bảo đảm xử lý chồng chéo giữa thanh tra và KTNN. Vì vậy chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ là được.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: KTNN và Thanh tra Chính phủ thống nhất với nhau trong phối hợp, vậy ai là người điều hành 2 vị này trong khi luật chưa quy định mà để cho 2 vị tự phối hợp với nhau. Do đó khi có sự chồng chéo, ai là người điều hòa để cả 2 cơ quan đều thực hiện được nhiệm vụ theo luật giao? Từ đó, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cho rằng, khi có sự chồng chéo mà lãnh đạo hai ngành không thống nhất được thì cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để xử lý tránh chồng chéo cần lấy kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua hàng năm làm chuẩn, để từ đó các cơ quan phải căn cứ vào kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua để có kế hoạch thanh tra trong lĩnh vực của mình để tránh chồng chéo với kiểm toán. Đồng thời cần quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi vào thanh tra, kiểm toán cùng một nội dung mà không phát hiện được sai phạm nhưng về sau cơ quan điều tra vào cuộc lại phát hiện ra sai phạm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, hàng năm kế hoạch kiểm toán đều được Quốc hội thông qua, nghị quyết của Quốc hội là cơ sở pháp lý, do đó các đơn vị khác cần căn cứ vào kế hoạch để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo với những vụ việc kiểm toán đang làm.
Thanh Hoa